Hậu quả khôn lường của “Body Shaming”

“Body Shaming vẫn mãi là câu chuyện muôn thuở của giới trẻ và các bạn học sinh cũng không ngoại lệ. Nhưng chúng ta chưa thể hiểu hết được hậu quả khôn lường mà “Body Shaming mang” mang đến. “Body shaming” – một hình thức bạo lực về tâm lý đang ngày càng có dấu hiệu lan rộng trong đời sống học đường.

Body shaming là gì?

Body shaming là hình thức  miệt thị cơ thể bằng việc dùng ngôn ngữ để chê bai hay chế giễu ngoại hình người khác, khiến cho người đó cảm thấy khó chịu hay bị xúc phạm. Nó bao gồm nhiều hành vi khác nhau, như gián tiếp hoặc trực tiếp chê bai chế giễu hình thể người khác hay là do bản thân tự chối bỏ và phê phán hình thể của mình.

Các bạn thường nhầm lẫn giữa đùa vui và miệt thị. Đùa vui không gây cảm giác khó chịu, chỉ giới hạn trong những người thân quen. Còn vượt ra khỏi ranh giới đó, khi lời nói của mình gây khó chịu, xúc phạm đến người khác. Đó chính là Body shaming.

Hậu quả khôn lường của Body Shaming ở lứa tuổi học đường

Học sinh có thể nói là lứa tuổi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn Body shaming. Các em còn quá nhỏ, chưa có sức đề kháng trước các tác động tâm lí, nhất là tuổi dậy thì – độ tuổi mà tâm lý trở nên nhạy cảm nhất. Các em thường dễ bị tổn thương sâu sắc trước những lời đùa cợt về ngoại hình.

Khi trở thành nạn nhân Body shaming, phần lớn các em chưa biết cách để giải quyết vấn đề, khiến những lời xúc phạm ngoại hình trở thành nỗi ám ảnh. Nhiều em trở nên tự ti, mặc cảm, thậm chí bị trầm cảm, có trường hợp học sinh đã tìm đến cái chết như một lối thoát. Như vậy, body shaming là hình thức bạo lực bằng lời nói, không chỉ là tổn hại tâm hồn mà nó còn có thể chấm dứt sinh mạng của một con người.

Ngày nay, mạng xã hội như Facebook, Tiktok,..lại trở thành một “nơi lí tưởng” cho những kẻ thích tấn công người khác, mà công cụ cụ thể là ngôn từ. Đó chính là một phương tiện khiến cho nạn Body Shaming càng lan rộng và khó kiểm soát.

Giải pháp đẩy lùi Body Shaming

Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này đó là hãy lên tiếng. Các em học sinh cần lên tiếng khi bản thân bị miệt thị ngoại hình; lên tiếng khi nhìn thấy người khác bị đùa cợt, bởi vì khi các em im lặng, chính là vô tình tạo cơ hội cho những kẻ bắt nạt làm tổn thương các em nhiều hơn.

Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường với sự chung tay của các giáo viên cần nâng cao nhận thức của học sinh về body shaming; lên án các hành vi xúc phạm dưới mọi hình thức; đồng thời cần quan tâm, gần gũi học sinh để hạn chế ảnh hưởng của vấn nạn này.

Và cuối cùng, điều cốt yếu nhất là hãy giúp các em có “kháng thể” trước nạn body shaming – chính là bồi dưỡng cho các em sự tự tin về bản thân, yêu thương bản thân nhiều hơn. Các em hãy biết trân trọng chính mình. Bởi vì mỗi chúng ta là một cá thể duy nhất, khác biệt, không bắt buộc phải giống với ai khác.

Nếu cần tìm một nơi để chữa lành, hãy đến với TamlyVinhPhuc!

Theo Tiếng nói giáo viên