Ai trong chúng ta cũng có những cái tôi riêng nhằm thể hiện cá tính, khẳng định bản thân. Cái tôi tích cực mang đến cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp, nhưng đôi lúc cái tôi quá đà lại làm chúng ta trở nên xấu xí và phải trả giá cho nó.
Nói một cách khách quan, “cái tôi” của người trẻ chính là động lực rất lớn thôi thúc người trẻ rèn luyện, phát triển khẳng định chính mình. Những bạn trẻ có cái tôi đúng đắn, làm ra những điều khác biệt, sáng tạo, mang lại nhiều giá trị tích cực cho những người xung quanh và xã hội.
Bên cạnh những giá trị nhân văn đó, nhiều bạn trẻ lại lấy cái tôi làm lý do cho những suy nghĩ lệch lạc. Chính cái tôi đó sẽ biến họ thành người hống hách, coi khinh người khác và không bao giờ có được thiện cảm từ người khác.
Những phong cách chẳng giống ai, những câu nói vô lễ , những trò chơi thách thức để khẳng định đẳng cấp riêng. Nhưng họ không biết rằng đó là cái tôi lố bịch, thể hiện tư duy của người kém hiểu biết. Đã có những cái giá rất đắt phải trả cho những suy nghĩ và hành động đó.
(Cái tôi lớn sẽ khiến mọi người trở nên xa cách)
Những khổ đau bất an trong cuộc đời mỗi người đa phần xuất phát từ cái tôi thái quá . Người có cái tôi quá lớn, là người luôn xem mình là nhất không chịu thua kém bất cứ ai, bất cứ việc gì và xem thường suy nghĩ, lời nói của người khác.
Trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè, thầy cô, thậm chí đối với mọi người xung quanh, cái tôi càng nên thể hiện một cách chừng mực, biết lắng nghe để tất cả trở nên tốt đẹp hơn.
Bạn có thể kiểm soát cái tôi của chính mình
Tập bớt nói chuyện với trí não
Hãy làm sao để tâm trí ta được lặng yên. Chỉ nghĩ về mình khi nào cần giải quyết cái gì có tính thực tiễn của cuộc sống mà thôi. Thiền được xem là phương pháp tốt nhất giúp bạn sẽ bình thản, chú ý và bằng lòng hơn.
Đừng tìm cách bảo vệ cái tôi
Khi gặp thất bại đừng… chửi mắng mình. Khi người khác thất bại, đặc biệt người thân của bạn thì tránh công kích họ. Đừng mất thì giờ và sức lực đi bảo vệ hình ảnh cái tôi của mình. Khi bạn thấy mình muốn bảo vệ cái tôi quá cao thì hãy nhớ các hăm doạ cho cái tôi này thường không có thật, hãy tập trung giải quyết các tình huống, chắn chắn kết quả sẽ khác/
Hãy từ bi với chính mình
Khi gặp thất bại, đu khổ hãy cố gắng từ bi với bản thân. Nếu bạn đối xử với chính mình với lòng tử tế và kính trọng thì cái tôi của bạn sẽ không bị bão tố cuộc đời vùi dập và bạn cũng không cần bảo vệ nó.
Đừng nuôi dưỡng cái tôi
Đừng chăm chỉ nuôi dưỡng cái tôi. Hãy hoàn thành những mục tiêu của mình, chấp nhận những khó khăn và vấp ngã. Hiểu rằng những điều xảy ra đều có nguyên do của nó. Tránh đổ lỗi cho chính bản thân và cả mọi người xung quanh khiến cái tôi phát triển. Bạn đã làm rất tốt rồi và hãy cố gắng thêm một lần nữa.
Hãy để bạn kiểm soát lấy cái tôi của chính mình, trưởng thành và thật mạnh mẽ!
Tác giả: Phan Liên