TRẢI NGHIỆM SỬ DỤNG DỊCH VỤ VÀ ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH TƯ VẤN TÂM LÝ TRỰC TUYẾN CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

TRẢI NGHIỆM SỬ DỤNG DỊCH VỤ

VÀ ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH TƯ VẤN TÂM LÝ TRỰC TUYẾN

CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

HVCH. Lưu Thị Phương Loan

Học viện Quản lý Giáo dục, ĐT: 0978810283, Email:luuphuongloan102@gmail.com

Nhận bài ngày 12/4/2023. Sửa chữa xong 16/4/2023. Duyệt đăng 20/4/2023.

Abstract

This study explores the experience of using online psychological counseling services of 590 high school students in Hanoi city and Vinh Phuc province. 57.9% of students rated the service as effective or higher. They also pointed out the service’s advantages and disadvantages. A model of online psychological counseling for students has been designed based on student’s desire.

Keywords: Online psychological counselling, high school students, user experiences, model suggestions.

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Theo nghiên cứu của Torous và cộng sự (2018), có hơn 10,000 phần mềm ứng dụng sức khỏe tâm thần trên thế giới sẵn sàng để tải về sử dụng [1]. Các can thiệp sức khỏe tâm thần trực tuyến đem lại một số lợi ích như (Weisel và cộng sự, 2019): 1) Sử dụng 24/7 và linh hoạt; 2) Phù hợp với các bạn trẻ, sẵn có điện thoại thông minh và thích ứng nhanh với công nghệ; 3) Có thể sử dụng can thiệp ở các khu vực kinh tế mới nổi, nơi có thu nhập thấp có khó khăn, hạn chế tiếp cận nhà trị liệu trực tiếp [2]. Công nghệ kỹ thuật số có khả năng cải thiện các hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, cho phép thu thập dữ liệu để theo dõi và đo lường kết quả sức khỏe, tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu giữa các dịch vụ y tế, tăng cường khả năng tiếp cận ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa [3].

Tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua làm suy giảm tình trạng sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên với các biểu hiện trầm cảm, lo âu và căng thẳng tâm lý gia tăng. Vì vậy, cần đa dạng trong cách tiếp cận các phương pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần và thiết kế lại việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần với sự hợp tác của chính những người trẻ tuổi, hướng tới một dịch vụ chăm sóc liên tục bao gồm các dịch vụ kỹ thuật số và các liệu pháp thay thế [4]. Tư vấn tâm lý (TVTL) trực tuyến có thể là một phương thức cung cấp liệu pháp tiềm năng hỗ trợ người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần [5]. Sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần kỹ thuật số trên thế giới thời gian gần đây đã đem đến cơ hội tiếp cận với nhiều loại hình dịch vụ cho thanh thiếu niên với những ưu điểm và tính năng vượt trội. Thanh thiếu niên thế hệ Z được đánh giá là thông minh, nhanh nhạy, có điều kiện tiếp cận, sử dụng nhiều hơn với máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử công nghệ cao kết nối trên các nền tảng mạng xã hội nên rất đam mê và có xu hướng lạm dụng công nghệ, mạng xã hội [6].

Tại Việt Nam, vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trong nước mới dừng lại ở việc đánh giá thực trạng, nhu cầu và sự cần thiết trong việc xây dựng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe tâm thần trên nền tảng

Internet dành cho thanh thiếu niên. Tìm hiểu về hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa trên nền tảng công nghệ thông tin có lẽ là khoảng trống nghiên cứu đầy tiềm năng. Nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện nhằm tìm hiểu hoạt động TVTL trực tuyến cho HS THPT tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc, từ đó điều chỉnh và áp dụng hoạt động này vào thực tế giúp HS có thể tiếp cận nguồn lực hỗ trợ hiệu quả, thuận tiện và an toàn.

2. Tổ chức và phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu cắt ngang đã được thực hiện với 2 phương pháp chính gồm: Điều tra bằng bảng hỏi và thống kê toán học. Một bảng hỏi tự thuật đã được xây dựng để HS THPT tự đánh giá về những trải nghiệm sử dụng dịch vụ TVTL trực tuyến và mong muốn, đề xuất của HS về mô hình TVTL trực tuyến. Có tất cả 590 HS đã tham gia vào nghiên cứu này. Trong đó, có 238 HS thuộc hai trường THPT Chu Văn An và THPT Hoàng Cầu ở Hà Nội; và 352 HS ở tỉnh Vĩnh Phúc từ ba trường THPT Ngô Gia Tự, THPT Vĩnh Yên, THPT Bình Xuyên. Về giới tính, có 34.2% tổng số khách thể là HS nam và 63.7% là HS nữ; ngoài ra, có 2.0% HS chọn giới tính khác. Về khối lớp, có 34.1% HS khối 10, 32.9% HS khối 11 và khối 12 là 33.1%. Thang đo lường hoạt động TVTL trực tuyến cho HS THPT được xây dựng trên cơ sở tham khảo các nghiên cứu của tác giả Lưu Thị Lịch (2007) [7]; tác giả Trần Văn Công và Nguyễn Thị Hoài Phương (2017) [8]; tác giả Trần Thành Nam và Hoàng Thị Thu Hiền (2019) [9]; tác giả Alqahtani và Orji (2020) [10]. Thang đo sử dụng checklist gồm 13 câu hỏi với nhiều lựa chọn trong mỗi câu hỏi. Toàn bộ dữ liệu được nhập và làm sạch trên Excel, sau đó được phân tích bởi phần mềm thống kê SPSS.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Về sử dụng dịch vụ TVTL trực tuyến của HS THPT

Đầu tiên, để xác định mức độ tiếp cận với dịch vụ TVTL trực tuyến của HS THPT, trong phiếu hỏi, chúng tôi đã đưa ra khái niệm và mô tả về các hình thức TVTL trực tuyến. Kết quả, có 60% HS đã nghe tới nhưng chưa sử dụng dịch vụ, 32% HS đã nghe tới và sử dụng dịch vụ, 8% HS chưa bao giờ nghe tới dịch vụ.

Chúng tôi chỉ tiến hành phân tích trải nghiệm sử dụng dịch vụ TVTL trực tuyến trên 190 HS (32%) đã nghe tới và đã sử dụng dịch vụ theo các nội dung sau đây:

Khi được hỏi là “Em biết tới dịch vụ TVTL trực tuyến thông qua đâu?”, kết quả cho thấy, cách thức HS biết tới dịch vụ TVTL trực tuyến nhiều nhất là thông qua “Mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram,…)” (ĐTB = 0,69, ĐLC = 0,46) và “Tìm kiếm trên Google” (ĐTB = 0,56, ĐLC = 0,50). Điều này có thể dễ dàng lý giải bởi với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, HS có điều kiện tiếp xúc hàng ngày với mạng xã hội nên có thể nhanh chóng cập nhật thông tin và tìm hiểu những lĩnh vực mới.

Về kênh sử dụng dịch vụ TVTL trực tuyến, phần lớn HS lựa chọn các “Phần mềm, ứng dụng TVTL trực tuyến trên mạng xã hội” (ĐTB = 0,65, ĐLC = 0,48), tiếp đó, “Facebook” và “Email” là những kênh được HS sử dụng nhiều trong TVTL trực tuyến vì tính phổ biến và thông dụng với ĐTB lần lượt là: ĐTB = 0,38 (ĐLC = 0,49), ĐTB = 0,14 (ĐLC = 0,35). Sử dụng dịch vụ qua kênh “Zoom” là phương án được ít HS lựa chọn nhất (ĐTB = 0,06, ĐLC = 0,24).

Về những hoạt động khi sử dụng dịch vụ TVTL trực tuyến, HS sử dụng nhiều là “Thực hiện các bài test về tâm lý, hướng nghiệp” (ĐTB = 0,72, ĐLC = 0,45). Những băn khoăn về định hướng nghề nghiệp khiến các em tìm kiếm và sử dụng “Tư vấn hướng nghiệp” khá nhiều trong dịch vụ TVTL trực tuyến (ĐTB = 0,59, ĐLC = 0,49). Có thể thấy, tư vấn hướng nghiệp là vấn đề được HS rất quan tâm trong nhà trường phổ thông hiện nay. Tuy nhiên, “Đánh giá khó khăn tâm lý” lại là hoạt động HS ít sử dụng nhất khi dùng dịch vụ (ĐTB = 0,32, ĐLC = 0,47).

Về nội dung tư vấn/tham vấn tâm lý trực tuyến, có thể hiểu, nội dung HS quan tâm nhiều nhất cũng chính là nội dung HS được tham vấn/tư vấn nhiều nhất khi sử dụng dịch vụ đó là “Hướng nghiệp” (ĐTB = 0,75, ĐLC = 0,44). Nội dung “Khám phá tâm lý bản thân” và “Học tập” là quan tâm tiếp theo HS với ĐTB lần lượt: ĐTB = 0,68 (ĐLC = 0,47), ĐTB = 0,63 (ĐLC = 0,49). Kết quả này phản ánh đúng với những dự đoán của chúng tôi về lo lắng của HS trong định hướng nghề nghiệp, nhu cầu tìm hiểu tâm lý bản thân và những căng thẳng, áp lực trong học tập.

Về tần suất sử dụng dịch vụ TVTL trực tuyến, kết quả phân tích cho thấy, mức độ sử dụng “Một vài lần/năm” được HS lựa chọn nhiều nhất (73,2%) và mức độ sử dụng được HS lựa chọn ít nhất là “Nhiều lần/tuần” (2,1%). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ sử dụng dịch vụ TVTL trực tuyến theo giới tính, khối lớp, địa phương, học lực, giữa trường có và không có dịch vụ tham vấn tâm lý (p > 0,05).

Về thời gian của một phiên/buổi TVTL trực tuyến, 44,2% HS chọn thời gian của một phiên/buổi TVTL trực tuyến là dưới 15 phút. Thời gian này phù hợp với các bài test nhanh HS có thể thực hiện trên ứng dụng, phần mềm điện thoại. Tuy nhiên, đối với một buổi tư vấn/tham vấn thông thường thì thời gian này chưa đủ để thực hiện trọn vẹn một buổi tham vấn. Có 35,8% HS cho rằng một phiên/buổi tư vấn phù hợp là 15 – 30 phút, 15,3% chọn thời gian 30 – 60 phút, còn lại, chỉ có 4,7% chọn thời gian trên 60 phút.

Về các phương tiện và đối tượng thực hiện TVTL, HS được hỗ trợ nhiều nhất bởi “Phần mềm” có thể là các ứng dụng trên điện thoại di động hay ứng dụng trên nền tảng chatbot,… (ĐTB = 0,70, ĐLC = 0,46). Công nghệ “Trí tuệ nhân tạo (AI)” phát triển thời gian gần đây là lựa chọn tư vấn tiếp theo của HS với ĐTB = 0,40 (ĐLC = 0,49). “Chuyên viên tư vấn”, “Giáo viên” và “Chuyên viên tham vấn học đường” là các lựa chọn sau cùng của HS với ĐTB lần lượt là: ĐTB = 0,23 (ĐLC = 0,42), ĐTB = 0,18 (ĐLC = 0,38), ĐTB = 0,12, (ĐLC = 0,33). Khi công nghệ kỹ thuật số ngày một phát triển với nhiều tính năng, tiện ích trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần đã dần thay thế hoạt động của con người và thu hút sự chú ý của giới trẻ.

Về hoạt động hỗ trợ của nhà tâm lý cho HS qua hình thức trực tuyến, hoạt động HS đánh giá nhiều nhất là “Cung cấp các biện pháp giúp cải thiện vấn đề mà em đang gặp phải (như điều chỉnh cảm xúc, tăng sự tập trung chú ý,…)” (ĐTB = 0,54, ĐLC = 0,50) và “Hỗ trợ em để đưa ra giải pháp giải quyết khó khăn” (ĐTB = 0,43, ĐLC = 0,50). Có thể nhận thấy, việc HS mạnh dạn chia sẻ vấn đề khó khăn của mình với nhà tâm lý là một điều tích cực, thể hiện mong muốn và nhu cầu giải quyết khó khăn của bản thân. Bên cạnh đó, HS cũng đánh giá khá cao một kĩ năng quan trọng trong tham vấn được nhà tâm lý sử dụng là “Lắng nghe em một cách tích cực” (ĐTB = 0,34, ĐLC = 0,47). Hoạt động được HS lựa chọn ít nhất là “Thông báo về các nguyên tắc như bảo mật, sự an toàn,… trong tham vấn/tư vấn” (ĐTB = 0,16, ĐLC = 0,37).

Đánh giá về mức độ hiệu quả của hoạt động TVTL trực tuyến, có hơn một nửa số HS cho rằng, hoạt động TVTL trực tuyến có “Hiệu quả” (53,2%) và có 4,7% HS đánh giá hoạt động TVTL “Rất hiệu quả”. Chỉ có 3,7% HS cho rằng hoạt động này “Không hiệu quả”. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về đánh giá mức độ hiệu quả của hoạt động TVTL trực tuyến theo giới tính, địa phương, khối lớp, giữa trường có và không có dịch vụ tham vấn tâm lý (p > 0,05).

3.2. Đánh giá và đề xuất của HS đối với dịch vụ TVTL trực tuyến

Trong phần này, chúng tôi sử dụng số liệu tổng hợp của ba nhóm HS: nhóm chưa bao giờ nghe tới dịch vụ, nhóm đã nghe tới nhưng chưa sử dụng dịch vụ và nhóm đã sử dụng dịch vụ để phân tích đưa ra kết quả nghiên cứu.

3.2.1. Những thuận lợi của hoạt động TVTL trực tuyến

Theo nhóm chưa bao giờ nghe tới dịch vụ: “Nhanh và tiện lợi”, “Không bị lộ danh tính thật”, “Tự tin chia sẻ, không e ngại” là ba yếu tố được cho là ưu điểm lớn nhất của hình thức TVTL trực tuyến với điểm trung bình lần lượt là ĐTB = 0,74, ĐTB = 0,66, ĐTB = 0,60. Trong khi đó, yếu tố có điểm trung bình thấp nhất là vấn đề liên quan đến độ tin cậy (ĐTB = 0,26) và chi phí (ĐTB = 0,36). Tương tự, nhóm đã nghe tới nhưng chưa sử dụng dịch vụ cũng cho rằng “Nhanh và tiện lợi” (ĐTB = 0,69) và “Tự tin chia sẻ, không e ngại” (ĐTB = 0,68) là những thuận lợi lớn của hình thức TVTL này. Ngoài ra, nhóm này cũng đồng ý rằng, hình thức TVTL trực tuyến có thể dễ dàng thực hiện ở bất kì đâu (ĐTB = 0,68).

Mặc dù vấn đề chi phí không được cho là yếu tố thuận lợi lớn đối với nhóm chưa bao giờ nghe tới dịch vụ nhưng đây lại là một trong bốn ưu điểm lớn nhất của hình thức TVTL trực tuyến theo ý kiến đánh giá của nhóm đã sử dụng dịch vụ với ĐTB = 0,64. Ngoài ra, giống như hai nhóm trên, nhóm đã sử dụng dịch vụ cũng cho rằng hai ưu điểm lớn nhất của hình thức TVTL trực tuyến là nhanh, tiện lợi và HS có thể tự tin chia sẻ, không e ngại với ĐTB lần lượt là ĐTB = 0,75 và ĐTB = 0,65.

Khi tiến hành kiểm định so sánh sự khác biệt, dữ liệu chỉ ra rằng, nhóm đã nghe tới nhưng chưa sử dụng dịch vụ có ĐTB khi đánh giá các yếu tố thuận lợi của hình thức TVTL trực tuyến cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm chưa bao giờ nghe tới dịch vụ (p < 0,05) với ĐTB lần lượt là ĐTB = 0,60 (ĐLC = 0,24), ĐTB = 0,51 (ĐLC = 0,26). Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy: HS THPT ở tỉnh Vĩnh Phúc (ĐTB = 0,61, ĐLC = 0,24) đánh giá các yếu tố thuận lợi của hình thức TVTL này cao hơn so với HS THPT ở Thành phố Hà Nội (ĐTB = 0,55, ĐLC = 0,24).

3.2.2. Những hạn chế của hoạt động TVTL trực tuyến

Hạn chế lớn nhất của hình thức TVTL trực tuyến mà cả 3 nhóm đều đồng ý là nó không hiệu quả cho những vấn đề tâm lý nặng và nghiêm trọng với ĐTB đều bằng 0,60. Một hạn chế khác cũng được các nhóm này nhấn mạnh là chất lượng tư vấn bị ảnh hưởng bởi thiết bị máy móc và đường truyền Internet. Bên cạnh đó, HS cũng bày tỏ sự lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin và nghi ngờ chất lượng của hoạt động tư vấn thông qua hình thức trực tuyến. Những yếu tố mà HS cả ba nhóm cho là ít hạn chế hơn của hình thức TVTL trực tuyến bao gồm: khó bộc lộ cảm xúc, dễ nhàm chán và dễ bị mất tập trung. Khi so sánh sự khác biệt về những hạn chế của hình thức TVTL trực tuyến theo đặc điểm HS, kết quả chỉ ra HS THPT ở Thành phố Hà Nội (ĐTB = 0,45, ĐLC = 0,21) đánh giá các yếu tố hạn chế của hình thức TVTL này cao hơn so với HS THPT ở tỉnh Vĩnh Phúc (ĐTB = 0,40, ĐLC = 0,18). Phân tích cũng cho thấy, nhóm HS đã sử dụng dịch vụ (ĐTB = 0,38, ĐLC = 0,18) nhận thấy những hạn chế của hình thức TVTL này ít hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm HS chưa bao giờ nghe tới (ĐTB = 0,45, ĐLC = 0,19) và nhóm đã nghe tới nhưng chưa sử dụng dịch vụ (ĐTB = 0,44, ĐLC = 0,20) (p < 0,05).

3.2.3. Đề xuất đối với hoạt động TVTL trực tuyến

Về người thực hiện tư vấn, phần lớn HS THPT mong muốn rằng, “chuyên viên TVTL” (ĐTB = 0,63, ĐLC = 0,48) và “chuyên viên tham vấn học đường” (ĐTB = 0,45, ĐLC = 0,50) sẽ là những người thực hiện tham vấn, trị liệu thông qua hình thức trực tuyến. Trong khi đó, đối tượng mà HS ít mong muốn nhất là “trí tuệ nhân tạo (AI)” (ĐTB = 0,29, ĐLC = 0,45). Ngoài ra, có một điểm đáng chú ý là ĐTB của “phần mềm” (ĐTB = 0,32, ĐLC = 0,47) cao hơn so với ĐTB của “giáo viên” (ĐTB = 0,30, ĐLC = 0,46). Điều này cho thấy, giáo viên không phải là nhóm mà HS ưu tiên lựa chọn để thực hiện hoạt động TVTL trực tuyến. Như vậy, nhóm đối tượng HS mong muốn được tiếp cận trong dịch vụ này sẽ là những người có chuyên môn và được đào tạo về tâm lý học. Một số kỳ vọng khác được thể hiện trong sơ đồ dưới đây:

4. Đề xuất mô hình TVTL trực tuyến cho HS THPT

Dựa trên kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu được TVTL trên các mô hình trực tuyến, nhóm nghiên cứu đã xây dựng và triển khai thử nghiệm nhằm xem xét tính khả thi, từ đó điều chỉnh và áp dụng hoạt động này vào thực tế giúp HS có thể tiếp cận nguồn lực hỗ trợ hiệu quả, thuận tiện và an toàn. Các thành tố trong mô hình gồm:

Kênh triển khai: Website và Fanpage.

Nội dung triển khai: Tư vấn/tham vấn về các mối quan hệ: mối quan hệ trong gia đình, mối quan hệ với bạn bè, mối quan hệ với thầy/cô, mối quan hệ lãng mạn (tình yêu), khám phá tâm lý bản thân, các vấn đề tâm lý (lo âu, trầm cảm, kém kiểm soát hành vi,…), hướng nghiệp.

Đội ngũ cố vấn và chuyên viên tâm lý: Là các chuyên gia, nhà chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý học lâm sàng.

Công cụ: Phiếu đồng thuận, phiếu điều tra thông tin ban đầu, các trắc nghiệm sàng lọc và phỏng vấn, đánh giá lâm sàng, phiếu phản hồi,…

Hình thức thực hiện tham vấn/trị liệu: Zoom, Google meet, Zalo, Messenger,…

Quy trình thực hiện: Sau khi xây dựng Website và Fanpage, chúng tôi tuyên truyền, giới thiệu về mô hình trên một số phương tiện truyền thông. HS có nhu cầu cần hỗ trợ có thể liên lạc và đăng ký qua điện thoại, Email hoặc qua Website, Fanpage. Chuyên viên tâm lý tiếp nhận thông tin đăng ký, đặt lịch hẹn và thông báo với HS về sự đồng thuận của cha mẹ và cá nhân, vấn đề bảo mật và qui tắc trong quá trình trị liệu. Trong buổi làm việc đầu tiên, chuyên viên tâm lý sẽ tìm hiểu thông tin ban đầu và sàng lọc vấn đề của thân chủ bằng việc sử dụng các trắc nghiệm sàng lọc và phỏng vấn, đánh giá lâm sàng. Buổi tiếp theo, chuyên viên thông báo kết luận, trả kết quả và trao đổi về kế hoạch tham vấn, trị liệu. Tiến trình tham vấn, trị liệu được thực hiện theo kế hoạch. Đồng thời với quá trình đó, chúng tôi tiến hành đo lường, đánh giá định kỳ sau các phiên tham vấn, trị liệu. HS hoàn toàn không phải trả bất kì chi phí nào trong thời gian thử nghiệm mô hình (3 tháng).

Mô hình DMHIs trên thế giới thông thường gồm hai loại: DMHIs tự hướng dẫn (người dùng tự sử dụng hoàn toàn) và DMHIs được hướng dẫn hoặc hỗ trợ (chuyên gia hỗ trợ hoặc nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần chuyên khoa). Mô hình thử nghiệm của chúng tôi là mô hình có sự hỗ trợ, hướng dẫn từ nhà chuyên môn. Điểm mới của mô hình thử nghiệm là cung cấp dịch vụ dành riêng cho đối tượng là HS THPT, thay vì dịch vụ cung cấp cho nhiều đối tượng người dùng khác nhau nhằm khai thác tối ưu các lợi thế dịch vụ dành cho đối tượng HS THPT. Hơn nữa, trong mô hình của chúng tôi, sự tham gia hỗ trợ của chuyên gia và chuyên viên tâm lý có vai trò chủ đạo trong các khâu của quy trình, thông qua công cụ hỗ trợ kết nối trực tuyến (Internet).

5. Kết luận

Nhìn chung, phần lớn HS biết tới dịch vụ thông qua mạng xã hội và Google; kênh thông tin là các phần mềm, ứng dụng TVTL trực tuyến trên mạng xã hội; hoạt động là thực hiện các bài test về tâm lý, hướng nghiệp; thời gian sử dụng dưới 15 phút/phiên hoặc 15-30 phút/phiên, được hỗ trợ nhiều nhất bởi phần mềm và trí tuệ nhân tạo (AI). Hoạt động được nhà tâm lý hỗ trợ nhiều nhất là cung cấp các biện pháp giúp HS cải thiện vấn đề hoặc đưa ra giải pháp giải quyết khó khăn. Có 57,9% HS cho rằng dịch vụ hiệu quả và rất hiệu quả, đồng thời HS có mong muốn về dịch vụ TVTL trực tuyến là: người thực hiện tư vấn có chuyên môn và được đào tạo về tâm lý, kỳ vọng đối với nhà tâm lý là được cung cấp các biện pháp giúp cải thiện vấn đề, lắng nghe tích cực; nội dung được quan tâm nhiều nhất là học tập, hướng nghiệp và khám phá tâm lý bản thân. Dựa trên cơ sở các mong muốn của HS, chúng tôi đã đề xuất mô hình TVTL trực tuyến dành cho HS THPT và đang trong quá trình thử nghiệm. Hướng nghiên cứu tiếp theo tập trung vào đánh giá tính hiệu quả và khả thi của mô hình.

Tài liệu tham khảo

[1] Torous, J., Firth, J., Huckvale, K., Larsen, M. E., Cosco, T. D., Carney, R., … & Christensen, H. (2018). The emerging imperative for a consensus approach toward the rating and clinical recommendation of mental health apps (Sự cấp bách mới nổi đối với cách tiếp cận đồng thuận đối với xếp hạng và khuyến nghị lâm sàng cho các ứng dụng sức khỏe tâm thần). The Journal of nervous and mental disease (Tạp chí Bệnh thần kinh và tâm thần), 206 (8), pp. 662-666.

[2] Weisel, K. K., Fuhrmann, L. M., Berking, M., Baumeister, H., Cuijpers, P., & Ebert, D. D. (2019). Standalone smartphone apps for mental health-a systematic review and meta-analysis (Các ứng dụng điện thoại thông minh độc lập dành cho sức khỏe tâm thần-một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp). NPJ digital medicine (Tạp chí Y tế kỹ thuật số NPJ), 2(1), pp. 118.

[3] Berardi, C., Hinwood, M., Smith, A., Melia, A., & Paolucci, F. (2021). Barriers and facilitators to the integration of digital technologies in mental health systems: A protocol for a qualitative systematic review (Những rào cản và điều kiện thuận lợi để tích hợp công nghệ kỹ thuật số trong các hệ thống sức khỏe tâm thần: Quy trình cho hệ thống đánh giá định tính). Plos one (Tạp chí khoa học Plos one), 16(11), e0259995.

[4] Cowie, H., & Myers, C. A. (2021). The impact of the COVID‐19 pandemic on the mental health and well‐being of children and young people (Tác động của đại dịch COVID‐19 đối với sức khỏe tâm thần và hạnh phúc ở trẻ em và thanh thiếu niên). Children & Society (Trẻ em & Xã hội), 35(1), pp. 62-74.

[5] Kar, S. K., Yasir Arafat, S. M., Kabir, R., Sharma, P., & Saxena, S. K. (2020). Coping with mental health challenges during COVID-19 (Ứng phó với những thách thức về sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19). Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) Epidemiology, Pathogenesis, Diagnosis, and Therapeutics (Bệnh vi-rút corona 2019 (COVID-19) Dịch tễ học, Sinh bệnh học, Chẩn đoán và Điều trị), pp. 199-213.

[6] Turner, A. (2015). Generation Z: Technology and Social Interest (Thế hệ Z: Công nghệ và lợi ích xã hội). The Journal of Individual Psychology (Tạp chí Tâm lý học cá nhân), 71(2), pp. 103-113. https://doi.org/10.1353/JIP.2015.0021.

[7] Lưu Thị Lịch (2007), Đánh giá của khách hàng về hoạt động tư vấn trên trang web Tâm sự bạn trẻ, Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[8] Trần Văn Công, Nguyễn Thị Hoài Phương, Trần Thành Nam (2019), Thực trạng khó khăn tâm lý của học sinh và nhu cầu sử dụng ứng dụng tư vấn tâm lý trong trường học, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 61 (10), tr. 01.

[9] Trần Thành Nam, Hoàng Thị Thu Hiền (2019), Mức độ hiểu biết và sự sẵn sàng sử dụng ứng dụng sức khỏe tâm thần trên nền tảng Internet của phụ huynh cho con cái, Tạp chí Khoa học, Nghiên cứu giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, VNU Journal of Science: Education Research, Vol. 35, No. 4 (2019), tr. 127-138.

[10] Alqahtani, F., & Orji, R. (2020). Insights from user reviews to improve mental health apps (Đánh giá của người dùng nhằm cải thiện các ứng dụng sức khỏe tâm thần). Health informatics journal (Tạp chí khoa học về thông tin y tế), 26 (3), pp. 2042-2066.

Nghiên cứu được đăng tải trong Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số Đặc biệt tháng 4/2023.

Vui lòng tham khảo đầy đủ nghiên cứu trong link dưới đây:

https://drive.google.com/file/d/1cqEkWG7Qeb-wvRiZtLbEQ9CTmMolZNaT/view