MỞ ĐẦU
- Lý do chọn đề tài
Sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của xã hội hiện đại thời 4.0 tạo ra nhiều thuận lợi về điều kiện vật chất, cơ sở kĩ thuật và các yếu tố tinh thần… cho con người. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển xã hội, con người phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và tinh thần của con người.
Tháng 12 năm 2019, đại dịch Covid 19 bắt đầu bùng phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó xuất hiện ở nhiều nước và lan ra toàn cầu. Đại dịch Covid kéo dài suốt 2 năm qua bên cạnh những tổn thất lớn về kinh tế toàn cầu, đã làm dấy lên những lo ngại về sức khỏe tâm thần và thể chất của một thế hệ.
Lứa tuổi học sinh THPT là lứa tuổi phải đáp ứng nhiều yêu cầu của cuộc sống như mối quan hệ với bạn bè, thầy cô hay những trăn trở của bản thân, trong đó kết quả học tập là mối quan tâm hàng đầu và có ý nghĩa quyết định đến các yếu tố khác. Đặc biệt đối với học sinh lớp 12, là học sinh cuối cấp, phải đối mặt với khó khăn trong học tập, vấn đề lựa chọn nghề nghiệp tương lai và các kì thi cam go, khó khăn trong giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, những va chạm trong xã hội…dẫn đến những lo lắng, bất an, rối nhiễu tâm lý. Ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đang gây ra những tác động đáng lo ngại tới tình trạng sức khỏe tâm thần học đường và lo ngại này tiếp tục còn gia tăng trong thời gian tới.
Tìm hiểu những căng thẳng của học sinh THPT đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu thời gian gần đây. Tuy nhiên, tìm hiểu về căng thẳng trong học tập của học sinh cuối cấp lớp 12 trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc trong bối cảnh đại dịch Covid 19 hiện nay chưa có công trình nghiên cứu nào.
Vì những lý do trên, chúng tôi quyết định chọn đề tài “Thực trạng căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc dưới tác động của đại dịch Covid 19” làm đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi dành cho học sinh phổ thông.
- Mục đích nghiên cứu
– Khảo sát thực trạng căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 dưới tác động của đại dịch Covid 19: mức độ ảnh hưởng, biểu hiện, nguyên nhân và cách giải tỏa của học sinh khi gặp căng thẳng.
– Đề xuất một số biện pháp phòng ngừa và ứng phó căng thẳng trong học tập giúp các bạn học sinh tránh được những ảnh hưởng tiêu cực của căng thẳng, có sức khỏe tâm thần và thể chất tốt để học tập và thực hiện ước mơ của bản thân.
- Khách thể, đối tượng nghiên cứu
3.1. Khách thể nghiên cứu
Chúng tôi thực hiện khảo sát 510 học sinh lớp 12 của các trường THPT trên địa bàn Thành phố Vĩnh Yên: THPT Vĩnh Yên, THTP Chuyên Vĩnh Phúc, THPT Trần Phú, THPT Nguyễn Thái Học, THPT Dân tộc nội trú tỉnh.
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Thực trạng căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 các trường THPT dưới tác động đại dịch Covid 19.
- Giả thuyết khoa học
Hiện nay, học sinh gặp rất nhiều căng thẳng trong học tập đặc biệt là học sinh cuối cấp lớp 12 thường gặp căng thẳng và áp lực lớn hơn. Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 khiến việc học tập và thi cử bị ảnh hưởng, xáo trộn làm căng thẳng của các bạn càng gia tăng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tâm thần và thể chất. Nếu có biện pháp phòng ngừa và ứng phó với căng thẳng trong học tập thì sẽ giúp các bạn học sinh lớp 12 ở thành phố Vĩnh Yên giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của căng thẳng đến sức khỏe tâm thần và thể chất, tránh nguy cơ bị rối nhiễu tâm lý.
- Nhiệm vụ nghiên cứu
– Nghiên cứu lý luận về căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 dưới tác động của đại dịch Covid 19.
– Nghiên cứu và đánh giá thực trạng căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 tại dưới tác động đại dịch Covid 19 tại các trường THPT của thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
– Đề xuất các biện pháp phòng ngừa và ứng phó căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc dưới tác động của đại dịch Covid 19.
- Giới hạn đề tài và phạm vi nghiên cứu
6.1. Giới hạn đề tài
Đề tài chỉ nghiên cứu thực trạng căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 dưới tác động đại dịch Covid 19 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
6.2. Phạm vi nghiên cứu
– Phạm vi không gian: Đề tài nghiên cứu tại 5 trường THPT ở thành phố Vĩnh Yên: THPT Vĩnh Yên, THTP Chuyên Vĩnh Phúc, THPT Trần Phú, THPT Nguyễn Thái Học, THPT Dân tộc nội trú tỉnh.
– Phạm vi thời gian: Đề tài tiến hành nghiên cứu trong khoảng thời gian từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2021.
- Phương pháp nghiên cứu
7.1. Phương pháp nghiên cứu lý luận
Thu thập, tổng hợp và phân tích các tài liệu có liên quan đến vấn đề nghiên cứu để xây dựng nền tảng lý luận của đề tài.
7.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn
Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
7.3. Phương pháp xử lý số liệu
Từ số liệu thu được khi khảo sát thực tế, chúng tôi sẽ tiến hành tổng hợp, mã hóa, xử lý số liệu và phân tích kết quả thông qua phần mềm SPSS.
- Tính mới của đề tài
– Phát hiện được thực trạng căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 dưới tác động đại dịch Covid 19 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
– Đề xuất các biện pháp phòng ngừa và ứng phó căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc dưới tác động của đại dịch Covid 19.
- Cấu trúc của đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận và kiến nghị, tài liệu tham khảo, mục lục; nội dung đề tài gồm 3 chương:
Chương 1. Lý luận về thực trạng căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc dưới tác động của đại dịch Covid 19.
Chương 2. Tổ chức và phương pháp nghiên cứu
Chương 3. Kết quả nghiên cứu thực trạng căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc dưới tác động của đại dịch Covid 19.
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN VỀ THỰC TRẠNG CĂNG THẲNG TRONG HỌC TẬP CỦA HỌC SINH LỚP 12 TẠI CÁC TRƯỜNG THPT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ VĨNH YÊN, TỈNH VĨNH PHÚC DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID 19.
1.1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu
1.1.1. Những nghiên cứu trên thế giới
Trên thế giới, từ thế kỉ XVII đã có nhiều nghiên cứu về căng thẳng. Có ba hướng nghiên cứu chính về căng thẳng hiện nay: hướng thứ nhất nhìn nhận căng thẳng dưới góc độ sinh học của nhóm tác giả Walter Canon (1920), Hans Selye (1945), Irwin và Linvnat (1987)[1]. Hướng thứ hai xem căng thẳng như sự tác động từ môi trường. Hướng thứ ba coi căng thẳng như quá trình tâm lý – quá trình tương tác giữa con người với môi trường [1].
Các nghiên cứu về căng thẳng học đường rất đa dạng, tập trung vào nhiều khía cạnh và lĩnh vực học tập, trong đó có hai hướng cơ bản [14]:
Tập trung làm rõ các tác nhân gây căng thẳng ở học sinh với các nghiên cứu của Compas (1997), Sim (2000), Isakson & Jarvis (1999), Byrne, Davenport và Masanov (2007), Crystal và cộng sự (1994)…
Tập trung vào cách ứng phó của học sinh đối với căng thẳng với các nghiên cứu của Nezu và Ronan (1988), Kovacs (1989), Compas và các cộng sự (2001), Brian Gillispie (2001)…
1.1.2. Những nghiên cứu ở Việt Nam
Người đầu tiên có công trình nghiên cứu về căng thẳng ở Việt Nam là GS. Tô Như Khuê. Nghiên cứu lý thuyết về căng thẳng sau đó được các bác sĩ: Phạm Ngọc Rao, Nguyễn Hữu Nghiêm, Đặng Phương Kiệt và Nguyễn Khắc Việt tiếp tục nghiên cứu. Từ những năm 1980 trở lại đây, vấn đề căng thẳng được nghiên cứu và tiếp cận theo nhiều cách khác nhau như: sinh lý học, y học, tâm lý học, xã hội học.
Tác giả Nguyễn Thị Hằng Phương và Đinh Xuân Lâm (2019) nghiên cứu về thực trạng mức độ căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã chỉ ra mức độ căng thẳng và biểu hiện, nguyên nhân, giải pháp giải tỏa căng thẳng của học sinh lớp 12 [12].
Tác giả PGS.TS. Trần Thành Nam và Ths. Nguyễn Phương Hồng Ngọc trong cuốn “Cẩm nang chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, sinh viên” đã có nhiều chia sẻ hữu ích giúp các bạn học sinh, sinh viên nhận diện dễ dàng với các vấn đề về Stress [13].
1.2. Một số khái niệm công cụ
1.2.1. Khái niệm căng thẳng, căng thẳng trong học tập và các vấn đề liên quan đến căng thẳng
1.2.1.1. Khái niệm căng thẳng
Trên cơ sở tìm hiểu các khái niệm khác nhau về căng thẳng trên thế giới và trong nước, trong nghiên cứu này, chúng tôi xác định khái niệm: “Căng thẳng là trạng thái tâm lý nảy sinh ở con người trong quá trình hoạt động với những điều kiện khó khăn của cuộc sống đời thường cũng như ở các tình huống đặc biệt” [12].
1.2.1.2. Khái niệm căng thẳng trong học tập
Căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 được chúng tôi hiểu là: “trạng thái căng thẳng tâm lí nảy sinh ở học sinh trong quá trình hoạt động học tập; giao tiếp với gia đình, bạn bè; thầy cô giáo, khiến HS có những tác động tiêu cực đến quá trình học tập, tương tác, phát triển bản thân”.
1.2.1.3. Các vấn đề liên quan đến căng thẳng
Mỗi người trong chúng ta đều có thể trải qua căng thẳng (stress) trong một thời điểm nào đó. Căng thẳng quá mức và kéo dài sẽ dẫn đến hệ quả tiêu cực với thể chất và sức khỏe tâm thần. Nhưng không phải căng thẳng nào cũng tiêu cực. Những nguyên nhân gây ra căng thẳng thông thường xuất phát từ môi trường bên ngoài, các vấn đề về thể chất, suy nghĩ, những căng thẳng từ xã hội và gia đình [13].
Về khả năng và kĩ thuật ứng phó với căng thẳng, các nhà tâm lý đã chỉ ra ba chiến lược ứng phó với căng thẳng thường gặp ở học sinh là: nhận thức, hành vi và hỗ trợ xã hội.
1.2.2. Học sinh lớp 12 và những đặc điểm tâm lý cơ bản của lứa tuổi
Học sinh lớp 12 là những học sinh cuối cấp bậc THPT, có độ tuổi 16 – 18 tuổi, còn gọi là tuổi đầu thanh niên. Tuổi thanh niên cũng thể hiện tính chất phức tạp và nhiều mặt của hiện tượng, nó được giới hạn ở hai mặt: sinh lí và tâm lý.
* Đặc điểm về sự phát triển thể chất
Tuổi học sinh THPT là thời kì đạt được sự trưởng thành về mặt cơ thể. Sự phát triển thể chất đã bước vào thời kì phát triển bình thường, hài hòa, cân đối. Cơ thể đã đạt tới mức phát triển của người trưởng thành, nhưng sự phát triển đó chưa hoàn chỉnh như của người lớn. Hoạt động trí tuệ có thể phát triển tới mức cao. Khả năng hưng phấn và ức chế ở vỏ não tăng lên rõ rệt có thể hình thành mối liên hệ thần kinh tạm thời phức tạp hơn. Tư duy ngôn ngữ và những phẩm chất ý chí có điều kiện phát triển mạnh. Sự phát triển thể chất ở lứa tuổi này sẽ có ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và nhân cách đồng thời nó còn ảnh hưởng tới sự lựa chọn nghề nghiệp sau này của học sinh.
* Khó khăn tâm lý lứa tuổi học sinh THPT
Giai đoạn lứa tuổi THPT, các bạn gặp khó khăn tâm lý về các mặt: quan hệ giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; đánh giá của người khác về mình; sự phát triển bản thân; khó khăn trong học tập; khó khăn trong chọn nghề nghiệp.
1.2.3. Khái niệm “Tác động”
Theo “Từ điển Tiếng Việt”, tác động được hiểu là làm cho một đối tượng nào đó có những biến đổi nhất định [6]. Tác động là một khái niệm rộng, bao trùm lên nhiều lĩnh vực, chỉ cần một sự kích thích nào đó gây ra sự biến đổi (nội dung, hình thức) đều có thể được coi là tác động, trong đó tác động đến con người là hình thức phức tạp nhất. Con người là chủ thể mang ý thức nên mọi tác động từ bên ngoài đều phải thông qua ý thức chủ quan mới gây ra ở họ những biến đổi nhất định.
1.2.4. Đại dịch Covid 19
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (COVID-19) là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người qua các giọt bắn và tiếp xúc gần. Đại dịch bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) tháng 12/2019 và lan rộng ra khắp các châu lục, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội, sức khỏe và tính mạng của người dân nhiều quốc gia trên thế giới. Đại dịch là tác nhân nghiêm trọng gây tổn thương tâm lý và sức khỏe tinh thần con người. Nguy cơ rối loạn thần kinh như trầm cảm, lo lắng, hoang mang, rơi vào trạng thái khủng hoảng gia tăng khi tình hình dịch bệnh, phong tỏa và giãn cách xã hội kéo dài.
CHƯƠNG 2. TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Vài nét về địa bàn và khách thể nghiên cứu
2.1.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu
Thành phố Vĩnh Yên là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc. Trên địa bàn thành phố hiện nay có 6 trường THPT, gồm: THPT Chuyên Vĩnh Phúc, THPT Trần Phú, THPT Vĩnh Yên, THPT Nguyễn Thái Học, THPT Dân tộc nội trú tỉnh, THPT Liên Bảo với tổng số học sinh là 5.508. Tổng số học sinh lớp 12 của các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên năm học 2021 – 2022 là 1.560 học sinh.
2.1.2. Đặc điểm khách thể nghiên cứu
Chúng tôi tiến hành nghiên cứu trên 510 khách thể là học sinh lớp 12 của 5 trường THPT tại thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, gồm 213 nam (41,8%) và 297 nữ (58,2%) với số học sinh cụ thể sau: THPT Chuyên Vĩnh Phúc (148), THPT Trần Phú (110), THPT Vĩnh Yên (111), THPT Nguyễn Thái Học (97), THPT Dân tộc nội trú tỉnh (44).
2.2. Quy trình nghiên cứu
– Tháng 8/2021: Xác định vấn đề nghiên cứu và hình thành tên đề tài
– Tháng 9/2021: Xây dựng cơ sở lý luận của đề tài.
– Tháng 10/2021: Thiết kế công cụ điều tra
– Tháng 11/2021: Điều tra chính thức, nhập liệu và xử lý số liệu.
– Cuối tháng 11/2021 – đầu tháng 12/2021: Phân tích dữ liệu và viết báo cáo kết quả nghiên cứu.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
2.3.1. Phương pháp nghiên cứu lý luận
Từ nguồn tài liệu chủ yếu là sách, giáo trình, tạp chí và báo cáo khoa học, chúng tôi đã thu thập được những thông tin, tiến hành phân tích, tổng hợp tài liệu và xây dựng nên cơ sở lý luận của đề tài.
2.3.2. Phương pháp điều tra bảng hỏi
* Hệ thống câu hỏi trong bảng hỏi được xây dựng gồm 2 phần:
– Phần thông tin chung: sử dụng thang đo định danh (giới tính), thang đo định hạng (học lực và giờ học trong ngày).
– Phần nội dung bảng hỏi, gồm 4 câu hỏi sau:
+ Câu 1: Đại dịch covid 19 thời gian qua có ảnh hưởng đến việc học tập của bạn như thế nào?
Thang đo được xây dựng là thang định khoảng, có 8 items là ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 tới các mặt học tập của học sinh lớp 12 theo các mức độ: không, ít, nhiều, rất nhiều. Hệ số tin cậy thang đo của 8 mặt ảnh hưởng là 0.73.
+ Câu 2: Hãy cho biết bạn có những biểu hiện căng thẳng trong học tập nào dưới đây và mức độ biểu hiện của căng thẳng trong học tập?
Thang đo được xây dựng là thang định khoảng, sử dụng 4 nhóm nhân tố của 7 items cảm xúc, 10 items hành vi, 5 items nhận thức và 8 items thể chất để đánh giá mức độ biểu hiện căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 theo mức độ: không, ít, nhiều, rất nhiều. Hệ số tin cậy thang đo là 0.88 và hệ số tin cậy của 4 nhân tố trong thang đo lần lượt là: 0.77; 0.85; 0.71; 0,7.
+ Câu 3: Theo bạn, nguyên nhân nào khiến bạn gặp căng thẳng trong học tập? Hãy tích dấu x vào nguyên nhân đúng với bạn.
Thang đo được xây dựng là thang định danh, chúng tôi sử dụng 9 items với câu trả lời có – không, thang đo đạt độ tin cậy 0.66.
+ Câu 4: Khi có biểu hiện căng thẳng trong học tập, bạn thường chọn cách giải tỏa căng thẳng nào dưới đây? Đánh giá mức độ sử dụng của phương án bạn chọn.
Thang đo được xây dựng là thang định khoảng, chúng tôi sử dụng 14 items để đánh giá cách giải tỏa căng thẳng của học sinh với các mức độ: không, ít, nhiều, rất nhiều. Hệ số tin cậy của thang đo đạt 0.57.
* Cách tính điểm
– Câu 1,2,4: Không: 1điểm; Ít: 2 điểm; Nhiều: 3 điểm; Rất nhiều: 4 điểm.
– Câu 3: Có: 1 điểm; Không: 0 điểm
– Thang đánh giá
+ Câu 1,2,4: trong thang đo này, điểm thấp nhất là 1 điểm và cao nhất là 4 điểm. Để tính chênh lệch giữa các thang đo, chúng tôi lấy điểm cao nhất (4 điểm) trừ đi điểm thấp nhất (1 điểm) sau đó chia cho 4 mức. Như vậy điểm chênh lệch của mỗi mức là 0.75.
+ Câu 3: chỉ tính tần suất học sinh lựa chọn ý trả lời.
2.3.3. Phương pháp xử lý số liệu
Sau khi thu thập được các số liệu, chúng tôi sử dụng phần mềm SPSS để xử lí số liệu, cho kết quả nghiên cứu và nhận xét ý nghĩa về mặt thống kê. Trong phần xử lý số liệu, chúng tôi sử dụng: thống kê mô tả tần suất, tỉ lệ phần trăm, tính điểm trung bình, độ lệch chuẩn; phân tích tương quan; phân tích kiểm định…
CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG CĂNG THẲNG TRONG HỌC TẬP CỦA HỌC SINH LỚP 12 TẠI CÁC TRƯỜNG THPT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ VĨNH YÊN, TỈNH VĨNH PHÚC DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID 19.
3.1. Thực trạng căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc dưới tác động của đại dịch Covid 19.
3.1.1. Thời lượng học tập trong ngày của học sinh lớp 12
Qua khảo sát cho thấy, thời gian học ở trường trung bình mỗi ngày của các bạn học sinh lớp 12 là trên 6 giờ (59,2%), từ 5 đến 6 giờ (29%), từ 4 đến 5 giờ (7,5%), từ 3 đến 4 giờ (2,7%) và từ 2 đến 3 giờ (1,6%).
Ngoài thời gian học tập ở trường, các bạn có khoảng thời gian học tập ở nhà khoảng 2 đến 3 giờ (31,8%), 1 đến 2 giờ (24,7%) hoặc 3 đến 4 giờ (24,7%). Số ít các bạn học ở nhà 4 đến 5 giờ (9,6%), 0 đến 1 giờ (4,9%) hoặc trên 5 giờ (4,3%).
Sau giờ học ở trường, 35,7% các bạn học sinh lớp 12 được khảo sát còn đi học thêm bên ngoài khoảng 1 đến 2 giờ mỗi ngày, 22,2% số bạn khác lại học thêm khoảng 2 đến 3 giờ mỗi ngày. Số ít các bạn học thêm với thời lượng nhiều hơn trên 2 giờ. Số bạn không học thêm ngoài là 22,2%. Qua khảo sát cho thấy: 77,8% các bạn được khảo sát hiện có học thêm ngoài với các thời lượng khác nhau.
Qua khảo sát thời gian học tập trong ngày của các bạn học sinh lớp 12 cho thấy, thời gian học tập trung bình một ngày của các bạn là 11 giờ. Với các bạn có thời lượng học ở nhà nhiều hơn 3 giờ và học thêm nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày thì thời gian dành cho hoạt động cá nhân lại càng ít hơn. Còn những bạn không học thêm ở ngoài có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc tự học ở nhà hoặc các hoạt động rèn luyện cá nhân…
3.1.2. Mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đối với việc học tập của học sinh lớp 12.
Các mặt học tập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 của học sinh lớp 12 nhìn chung ở mức bị ảnh hưởng nhiều (ĐTB: 2,55). Trong đó, “áp lực điểm số, thi cử” là mặt bị ảnh hưởng lớn nhất (ĐTB: 2,84). Tiếp đó, đại dịch Covid 19 đã khiến “hình thức học tập thay đổi để thích ứng với đại dịch”: học trực tiếp tại trường khi tình hình dịch bệnh ổn định và chuyển sang hình thức học online khi dịch bệnh có diễn biến căng thẳng (ĐTB: 2,73). Do ảnh hưởng của đại dịch mà “các kì thi tạm dừng hoặc thay đổi thời gian hay hình thức tổ chức thi” (ĐTB: 2,62), ví dụ như kì thi chọn HSG lớp 12 cấp tỉnh, kì thi nghề phổ thông lớp 12 cũng tạm hoãn do dịch bệnh… nhiều kì thi khảo sát chất lượng của các trường THPT cũng bị hủy do dịch bệnh…Nội dung chương trình học rút gọn, tiến độ chương trình học đẩy nhanh (ĐTB: 2,48). Phương pháp học tập thay đổi thích ứng với hình thức học tập và Tương tác thầy – trò, tương tác giữa các học sinh bị hạn chế (ĐTB: 2,45). Hai mặt chịu ảnh hưởng thấp nhất là khó khăn trong lập kế hoạch học tập (ĐTB: 2,42) và hứng thú học tập (ĐTB: 2,4).
Qua khảo sát mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đối với việc học tập của học sinh lớp 12, có thể nhận thấy: đại dịch Covid đã và đang gây ra những xáo trộn ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp lớp 12. Sự xáo trộn này khiến các bạn càng gia tăng áp lực học tập, cảm thấy lo lắng, bất an nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và sức khỏe tâm thần.
3.1.3. Biểu hiện và mức độ biểu hiện những căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12.
Biểu hiện về cảm xúc căng thẳng trong học tập nhìn chung xuất hiện rõ nhất, ở trong mức độ ảnh hưởng tương đối nhiều (ĐTB: 2,35).
Điểm trung bình của biểu hiện cảm xúc là cao nhất (ĐTB: 2,35) trong khi nhân tố biểu hiện thể chất là thấp nhất (ĐTB: 1,72), sau đó biểu hiện nhận thức (ĐTB: 2,23) và biểu hiện hành vi (ĐTB: 1,8). Điều này nói lên rằng, khi những biểu hiện cảm xúc của các bạn có sự thay đổi cũng là chỉ báo để cha mẹ hay thầy cô sẽ nhận ra những dấu hiệu ban đầu về căng thẳng tâm lý, để có thể tìm cách hỗ trợ các bạn.
Các biểu hiện về cảm xúc xuất hiện tương đối đồng đều hay nói cách khác là có sự chênh lệch không đáng kể. Trong đó, cảm xúc “lo lắng”; “căng thẳng khi phải học qúa nhiều môn một lúc”; “mệt mỏi vì thời gian học từ sáng đến tối”; xuất hiện nhiều nhất, có điểm trung bình lần lượt 2.69; 2.58; 2.55 ở mức độ ảnh hưởng nhiều.
Tuy chúng tôi tiến hành điều tra không vào dịp ôn thi, nhưng mức độ của các biểu hiện căng thẳng thể hiện qua kết quả ở trên cho thấy học sinh đang trong tình trạng báo động. Các bạn cũng cảm thấy “buồn bã, chán nản, thờ ơ” (ĐTB: 2.35). Cuối cùng là các biểu hiện: “cảm thấy đánh mất giá trị ở bản thân” (ĐTB: 2.25), “cảm thấy khó chịu” (ĐTB: 2.12), “cảm thấy dễ bị tổn thương” (ĐTB: 1.92).
Biểu hiện về nhận thức của căng thẳng trong học tập nhìn chung ở trong mức độ tương đối nhiều (ĐTB: 2.23). Trong đó, “hay nhầm lẫn trong tính toán” có mức độ cao nhất (ĐTB: 2.29). Tiếp đến là các biểu hiện “khả năng tập trung trong học tập kém” (ĐTB: 2.28), “khả năng phân tích, suy luận trong bài toán kém” (ĐTB: 2.22). Có hai mức độ thấp nhất là biểu hiện “không nhớ nội dung bài học” và “khả năng liên tưởng khi viết văn kém” (ĐTB: 2.18).
Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng khả năng nhận thức của học sinh có biểu hiện giảm sút đáng kể. Điều này ảnh hưởng lớn trong quá trình học tập của học sinh. Sự mệt mỏi về trí tuệ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tập trung chú ý của học sinh, các em dễ bị phân tán chú ý trong học tập trên lớp cũng như ở nhà. Điểm trung bình từ kết quả điều tra cho thấy, những biểu hiện này nằm trong mức độ tương đối nhiều là điều rất đáng lo ngại cho các bạn.
Nguyên nhân là do các bạn bị áp lực trong từng môn học cũng như chuẩn bị ôn tập cho các bài kiểm tra, các kỳ thi sắp tới tạo nên một áp lực tổng hợp dẫn đến trạng thái căng thẳng, lo lắng. Nội dung chương trình học nặng buộc các bạn phải ghi nhớ và tiếp nhận tri thức một cách liên tục. Do đó, việc đòi hỏi phải có phương pháp học tập khoa học, kết hợp với nghỉ ngơi giải trí để trí tuệ được minh mẫn là vấn đề cấp bách đặt ra cho học sinh.
Biểu hiện về hành vi khi bị căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc nhìn chung ở trong mức độ ít (ĐTB: 1,8).
Trong các biểu hiện về hành vi ứng xử, biểu hiện rõ nét nhất, nằm trong mức độ nhiều (ĐTB: 2,18) khi bị căng thẳng là “nổi cáu, bực bội hoặc nóng tính”. Tiếp theo là biểu hiện “hay quên hoặc trở nên vụng về” (ĐTB: 2,11), “giờ giấc sinh hoạt lộn xộn” (ĐTB: 2,08).
Trong các biểu hiện về mặt hành vi, “sử dụng chất kích thích” và “có biểu hiện chống đối, tiêu cực” có điểm trung bình thấp nhất (1,12; 1,38). Tuy vậy, đây là các biểu hiện rất đáng ngại, cần có biện pháp để kiểm soát kịp thời.
Biểu hiện về thể chất nhìn chung ở mức độ tương đối ít (ĐTB: 1,72). Chứng tỏ mức độ căng thẳng của các bạn chưa quá cao, chưa đến mức bệnh lý. Điều này phù hợp với kết quả điều tra ở trên. Nếu có những hỗ trợ kịp thời sẽ giúp các bạn kiểm soát và ứng phó tích cực.
Trong đó, biểu hiện về mặt cơ thể phổ biến ở học sinh lớp 12 là “đau nhức đầu” (ĐTB: 2,15), “căng cơ hoặc đau cơ bắp” (ĐTB: 1,85), “chóng mặt” (ĐTB: 1,78). Tiếp đó là những biểu hiện “đau bụng” (ĐTB: 1,75), “khô miệng” (ĐTB: 1,63), “đổ mồ hôi” (ĐTB: 1,60) và biểu hiện ít gặp nhất là “rối loạn tiêu hoá” (ĐTB: 1,57).
Trong quá trình giải quyết các bài tập khó, các bạn thường tập trung trí nhớ, tư duy, tưởng tượng ở mức độ cao gây căng thẳng thần kinh. Khi thần kinh phải làm việc ở mức độ cao sẽ huy động năng lượng tích trữ ở gan, mô mỡ, cơ. Khi giải phóng năng lượng cần một lượng oxy nhiều hơn mức bình thường làm cho các cơ giải phóng axitlactic gây nên mệt mỏi cơ thể và cơ thể có cảm giác thiếu năng lượng. Để bù lại năng lượng đã mất trong cơ thể xảy ra cơ chế giảm hoạt động của một số cơ quan bộ phận làm giãn cơ, gây ức chế vận động. Do vậy học sinh thường xuyên có trạng thái mệt mỏi, đau đầu, bụng cồn cào, đau lưng, đau cơ bắp… Đây là những biểu hiện học sinh đang trong giai đoạn báo động của cơ thể để lập lại cân bằng.
Theo bảng tương quan, chúng tôi thấy có tương quan trung bình giữa các biểu hiện với nhau đều có r > 0,300**. Sự tương quan này cho thấy một số học sinh thường có ít nhất hai biểu hiện căng thẳng học tập.
Kết quả nghiên cứu biểu hiện căng thẳng học tập theo giới tính cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa giữa nam và nữ trong việc biểu hiện căng thẳng học tập (p=0,04). Cụ thể, điểm trung bình biểu hiện của học sinh nữ là 2,1; cao hơn so với học sinh nam là 1,92. Điều này cho thấy học sinh nữ dễ gặp căng thẳng học tập hơn học sinh nam. Kết quả cũng cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các trường, học lực, thời gian học ở trường, ở nhà và học thêm với biểu hiện căng thẳng học tập.
Tiểu kết: Qua những biểu hiện căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 ta thấy được: trong học tập, học sinh lớp 12 đang phải đối mặt với những tình trạng căng thẳng học tập có hại tới sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần của bản thân. Trong 4 mặt biểu hiện của căng thẳng trong học tập, biểu hiện về cảm xúc và nhận thức thể hiện rõ hơn so với biểu hiện về thể chất và hành vi. Biểu hiện rõ nét nhất của căng thẳng trong học tập về cảm xúc là học sinh cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, chán nản,thờ ơ. Về mặt nhận thức là hay nhầm lẫn trong tính toán, khả năng tập trung kém, không nhớ nội dung bài học, liên tưởng kém. Về mặt hành vi dễ nổi cáu, bực bội, nóng tính, vụng về, hay quên, giờ giấc sinh hoạt xáo trộn, hay than vãn về việc học, vội vàng, hấp tấp. Về mặt thể chất là đau nhức đầu, căng cơ, đau bắp cơ, chóng mặt, đau bụng, khô miệng, đổ mồ hôi, rối loạn tiêu hóa.
Có sự khác biệt có ý nghĩa giữa nam và nữ trong việc biểu hiện căng thẳng học tập (p=0,04). Cụ thể, điểm trung bình biểu hiện của học sinh nữ là 2,1; cao hơn so với học sinh nam là 1,92. Điều này cho thấy học sinh nữ dễ gặp căng thẳng học tập hơn học sinh nam.
Theo bảng tương quan, chúng tôi thấy có tương quan trung bình giữa các biểu hiện với nhau đều có r > 0,300**. Sự tương quan này cho thấy một số học sinh thường có ít nhất hai biểu hiện căng thẳng học tập.
3.1.4. Nguyên nhân căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12
Hầu hết học sinh cho rằng nguyên nhân gây căng thẳng trong học tập là do “lo lắng về kì thi Tốt nghiệp THPT” chiếm 90.6% vì đây là kì thi quan trọng nhất đối với các bạn học sinh THPT.
Phần lớn ý kiến cũng cho rằng nguyên nhân gây căng thẳng học tập là “lượng kiến thức nhiều và khó”. Nhiều ý kiến cũng cho rằng nguyên nhân gây căng thẳng là kì vọng cao vào bản thân, chiếm 72.7%. Các bạn đang ở lứa tuổi có nhiều mơ ước, dự tính cho tương lai, nhưng không phải bạn nào cũng biết đặt ra mục tiêu phù hợp với bản thân. Như vậy, đặt ra những mục tiêu phù hợp với năng lực bản thân là điều quan trọng nhằm giúp các bạn không rơi vào tình trạng căng thẳng trong học tập.
Tiếp theo, có 68% học sinh chọn tác nhân là kì vọng của cha mẹ, thầy cô. Một bộ phận học sinh cho rằng lịch học dày đặc là nguyên nhân gây căng thẳng cho mình (56.1%). “Chưa có định hướng nghề nghiệp” cũng là nguyên nhân được khá nhiều bạn lựa chọn chiếm 56,1%. Bước vào bậc THPT, hoạt động học tập và hoạt động định hướng nghề nghiệp (chọn nghề) là những hoạt động chủ đạo của học sinh. Bởi vậy, ngoài những căng thẳng về học tập, các bạn còn rất lo lắng về hướng nghiệp, do còn thiếu kiến thức về định hướng nghề hoặc chưa có sự hỗ trợ, tư vấn về hướng nghiệp đầy đủ của cha mẹ, thầy cô.
Có một bộ phận nhỏ học sinh cho rằng nguyên nhân bị căng thẳng trong học tập của các em là “khó khăn trong giao tiếp với bố mẹ, người thân”, chiếm 37.3% và “khó khăn trong giao tiếp với thầy cô, bạn bè” chiếm 26.9%. Ở góc độ này có thể nhận thấy, một bộ phận khá lớn các bạn học sinh THPT hiện nay còn thiếu kĩ năng trong giao tiếp, thiếu kĩ năng kiềm chế cảm xúc… nên các bạn thường gặp khó khăn trong giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Nguyên nhân ít được lựa chọn nhất là xuất phát từ “sức khoẻ không tốt” chiếm 25.3%.
Kết quả nghiên cứu nguyên nhân căng thẳng học tập theo thời gian học thêm trung bình mỗi ngày cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa giữa thời lượng học tập (p=0,03). Cụ thể, học sinh càng học thêm nhiều sẽ càng có nhiều nguyên nhân căng thẳng học tập hơn. Kết quả cũng cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các giới tính, trường, học lực, thời gian học ở trường, ở nhà với nguyên nhân căng thẳng học tập.
3.1.5. Cách giải tỏa căng thẳng của học sinh lớp 12 và mức độ sử dụng các cách giải tỏa căng thẳng.
Mức độ sử dụng các phương pháp giải tỏa căng thẳng của học sinh lớp 12 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc khi gặp căng thẳng trong học tập là ít (ĐTB: 1,72). Trong số 14 items trong câu hỏi thì có tới 8 item có trên 50% học sinh không sử dụng bất cứ biện pháp giải tỏa căng thẳng nào. Điều này cho thấy, khi gặp căng thẳng trong học tập các bạn chưa quan tâm và chưa có phương pháp giải tỏa căng thẳng, áp lực trong học tập.
Phương pháp giải tỏa căng thẳng được các bạn lựa chọn nhiều hơn là: “chia sẻ trực tiếp với bạn bè trong môi trường gần nhất bạn cùng lớp, hàng xóm, v.v” (ĐTB: 2,39) hoặc “dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục” (ĐTB: 2,36). Âm thầm chịu đựng căng thẳng mà không chia sẻ với ai cũng được khá nhiều bạn lựa chọn (ĐTB: 2,12).
Đáng chú ý là khi gặp căng thẳng về học tập, các bạn rất ít “hỏi ý kiến của bố mẹ, người thân” (ĐTB: 1,88) hoặc ít “chia sẻ với bố mẹ, người thân và thầy cô” (ĐTB: 1,93). Chúng tôi nhận thấy, cần có những giải pháp để tăng cường vai trò hỗ trợ khó khăn tâm lý cho học sinh lớp 12 từ phía gia đình và nhà trường. Tăng cường giải pháp giúp các bạn tự tin, mạnh dạn và cởi mở hơn trong các mối quan hệ giao tiếp với cha mẹ, người thân và thầy cô giáo.
Một số bạn có xu hướng bỏ mặc vấn đề căng thẳng vì không biết giải quyết như thế nào (ĐTB: 1,69) hoặc bỏ đi chơi với bạn bè, chơi game hoặc xem phim hay đọc truyện,… quá nhiều (ĐTB: 1,63) hay một số ít bạn chọn giải tỏa căng thẳng bằng cách sử dụng chất kích thích (bia, rượu, thuốc lá…) (ĐTB: 1,08).
Vai trò của phòng Tâm lý học đường và Tổ tư vấn học sinh trong việc hỗ trợ khó khăn tâm lý cho học sinh ở các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên ít được các bạn quan tâm hoặc gần như không được các bạn biết tới (ĐTB: 1,16). Đây cũng là lý do chúng tôi mong muốn đưa ra giải pháp để phát huy hiệu quả vai trò của công tác tâm lý học đường tại các trường phổ thông hiện nay ở thành phố Vĩnh Yên và trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc.
3.2. Một số biện pháp phòng ngừa căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc dưới tác động của đại dịch Covid 19.
3.2.1. Nguyên tắc đề xuất biện pháp
– Biện pháp đề xuất đảm bảo các nguyên tắc: nguyên tắc đảm bảo tính thực tiễn, nguyên tắc đảm bảo tính khách quan, nguyên tắc đảm bảo tính khả thi.
3.2.2. Các biện pháp phòng ngừa và ứng phó căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc dưới tác động của đại dịch Covid 19.
3.2.2.1. Tổ chức chương trình giao lưu, tọa đàm, diễn đàn
* Mục đích
– Nâng cao nhận thức của học sinh về ảnh hưởng của căng thẳng đối với sức khỏe thể chất và tâm thần. Nhận diện những biểu hiện căng thẳng trong học tập về mặt nhận thức, hành vi, cảm xúc, thể chất và cách phòng ngừa,ứng phó.
– Nâng cao năng lực trong việc tự tạo động lực cho bản thân trong học tập, năng lực vượt khó trong học tập, năng lực tự đánh giá bản thân…
* Nội dung
– Chủ đề 1: Stress và cách ứng phó với stress
– Chủ đề 2: Định vị bản thân (Tôi là ai?)
– Chủ đề 3: Đánh thức khát vọng (động lực học tập và vượt khó trong học tập)
– Chủ đề 4: Kĩ năng quản lý thời gian (lập kế hoạch học tập, thời gian biểu…)
– Chủ đề 5: Kĩ năng quản lý cảm xúc (kiềm chế và làm chủ cảm xúc)
– Chủ đề 6: Điều con muốn nói (tọa đàm giữa cha mẹ và thầy cô, học sinh)
– Chủ đề 7: Ước mơ xanh (tọa đàm giữa học sinh với thầy cô, nhà trường).
* Hình thức
Tổ chức trong qui mô lớp học, qui mô theo khối lớp hoặc qui mô toàn trường.
(Mời chuyên gia, diễn giả trao đổi hoặc học sinh tự tổ chức với sự hỗ trợ từ giáo viên, phòng Tâm lý học đường).
3.2.2.2. Tổ chức chương trình dã ngoại, thăm quan, trải nghiệm sáng tạo và các hoạt động ngoại khóa ngoài trời
* Mục đích
– Tạo sự gắn kết, tạo lập mối quan hệ giữa các học sinh, phát hiện năng lực bản thân, rèn luyện kĩ năng giao tiếp và các kĩ năng trong hoạt động tập thể.
– Giúp học sinh giải phóng các cảm xúc tiêu cực, giải tỏa những căng thẳng sau những ngày học tập vất vả, tiếp nhận nguồn năng lượng mới tạo hứng thú học tập.
* Nội dung
– Chương trình thăm quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; Trò chơi Team building; Học kì quân đội; Các cuộc thi văn nghệ, hội diễn văn nghệ, giải đấu thể thao.
* Hình thức
Tổ chức trong qui mô lớp học, qui mô theo khối lớp hoặc qui mô toàn trường.
3.2.2.3. Phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ, các loại hình hội, nhóm học sinh trong nhà trường
* Mục đích
– Tạo sân chơi tri thức và nghệ thuật để học sinh có cơ hội thể hiện tài năng và sở trường của mình. Giúp học sinh giải phóng những căng thẳng, cảm xúc tiêu cực, tái tạo năng lượng tạo hứng thú trong học tập.
– Rèn luyện nhiều kĩ năng cần thiết trong cuộc sống: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm chủ bản thân, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng lãnh đạo…
– * Nội dung
– Tổ chức các chương trình sinh hoạt, tọa đàm, giao lưu giữa các câu lạc bộ, hội nhóm hàng tháng theo chủ đề.
– Xây dựng Fanpage, chuyên san trao đổi kiến thức, kinh nghiệm hoạt động định kì các tháng.
* Hình thức
– Tổ chức các CLB: Võ thuật Vovinam, Nhảy hiện đại, Ghi ta, Cây bút tuổi hồng, Múa, Hội họa, Kịch…
3.2.2.4. Phối hợp với Tổ tư vấn học sinh của phòng Tâm lý học đường xây dựng kế hoạch và triển khai dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường”, tên dự án “Tôi hạnh phúc”
* Mục đích
– Tổ chức xây dựng một cộng đồng chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên do học sinh tổ chức và điều phối dưới sự giám sát của ban cố vấn chuyên môn (gồm các chuyên gia Tâm lý học trường học, chuyên viên của phòng Tâm lý học đường), giúp học sinh mạnh dạn chia sẻ, tìm kiếm sự hỗ trợ.
* Nội dung
– Tổ chức các hội thảo, diễn đàn trực tuyến với sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà chuyên môn trang bị kiến thức sức khỏe tâm thần học đường cho học sinh.
– Triển khai các khóa học trực tuyến về giá trị sống, kĩ năng sống; khóa học về phương pháp giải tỏa stress trong cuộc sống…
– Tiếp nhận, điều phối và kết nối chuyên gia các trường hợp cần hỗ trợ, tư vấn/ tham vấn cá nhân (tham vấn 1-1) hoặc tham vấn nhóm.
* Hình thức
– Tổ chức thông qua nền tảng trực tuyến: Fanpage (trang thông tin dự án), nền tảng Zoom, Google meet…
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
- Kết luận
Qua khảo sát thực trạng căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi nhận thấy đại dịch Covid 19 có ảnh hưởng nhiều tới việc học tập của học sinh lớp 12.
Những biểu hiện căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 ở mức độ tương đối nhiều về các mặt cảm xúc, nhận thức, hành vi và thể chất. Trong 4 mặt biểu hiện của căng thẳng trong học tập, biểu hiện về cảm xúc và nhận thức thể hiện rõ hơn so với biểu hiện về thể chất và hành vi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng trong học tập của học sinh, trong đó nguyên nhân gây căng thẳng trong học tập là do lo lắng về kì thi tốt nghiệp THPT, lượng kiến thức nhiều và khó, lịch học dày đặc, kì vọng cao vào bản thân, kì vọng của cha mẹ, thầy cô và chưa có định hướng nghề nghiệp.
Nhiều học sinh chưa quan tâm hoặc chưa có phương pháp giải tỏa căng thẳng trong học tập. Một số khác có sử dụng các phương pháp giải tỏa căng thẳng tuy nhiên ở mức độ còn ít. Điều này cho thấy, các em cần được trang bị hiểu biết cơ bản về ảnh hưởng của căng thẳng đối với sức khỏe tâm thần và thể chất. Đồng thời, cần tiến hành hỗ trợ, tham vấn để các em có thể phòng ngừa và ứng phó với căng thẳng trong học tập.
Các giải pháp chúng tôi đưa ra mong muốn giúp các bạn làm chủ bản thân và tự tạo động lực trong học tập, có tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập và trang bị cho mình những tri thức, kĩ năng cần thiết cho tương lai. Chúng tôi mong muốn sẽ xây dựng và phát triển dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường với mong ước mỗi học sinh sẽ là một công dân khỏe mạnh và hạnh phúc.
2.1.Về phía học sinh
Học sinh cần rèn luyện tính tự giác trong học tập, xây dựng một thời gian biểu hoạt động hằng ngày phù hợp cân đối việc học và nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao. Hiểu đúng năng lực bản thân để đề ra mục tiêu phù hợp, tránh kì vọng hoặc đánh giá quá cao bản thân. Tự tạo động lực và niềm vui trong học tập. Khi cơ thể có những biểu hiện bất thường các bạn cần mạnh dạn chia sẻ với bố mẹ, thầy cô và tìm sự hỗ trợ từ chuyên viên phòng Tâm lý học đường.
Cha mẹ không nên kì vọng quá cao và gây áp lực cho con cái. Cha mẹ đồng hành giúp con quản lý thời gian; hiểu cảm xúc của con, động viên và khích lệ con kịp thời. Cha mẹ hãy là người bạn, chia sẻ, trò chuyện thường xuyên với con, tạo hứng thú học tập cho con, cùng con nghiên cứu và tìm ra phương pháp để giảm áp lực bài vở.
2.3. Về phía giáo viên và nhà trường
Giáo viên cần tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú và động lực học tập cho học sinh. Giáo viên cần hiểu về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, có kĩ năng lắng nghe và thấu hiểu các học sinh, giúp học sinh phòng ngừa nguy cơ căng thẳng trong học tập.
Nhà trường cần có kế hoạch giáo dục phù hợp và linh hoạt trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19, tăng cường tổ chức các chương trình tọa đàm, diễn đàn, đối thoại nhằm nâng cao nhận thức về ảnh hưởng căng thẳng học tập đối với sức khỏe tâm thần học đường. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể dục thể thao và tăng cường hoạt động các loại hình CLB học sinh giúp đỡ nhau học tập, rèn luyện năng khiếu, nuôi dưỡng đam mê và khát vọng của học sinh. Nhà trường cần xây dựng và vận hành bài bản mô hình phòng Tâm lý học đường trong trường học. Phát huy vai trò quan trọng của phòng Tâm lý học đường trong các hoạt động phòng ngừa, can thiệp và ứng phó với những ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe tâm thần của học sinh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hinkle E. (1987). Stress and disease. The concept after 50 years, science, medicine and man, Vol. 25, pp. 561-566.
- Brian Gillispie (2001). History of academic advising. A chronology of academic advising in
- Cassidy (1999). Stress. Cognition and health, Routledge, London.
- Pigott, Teresa A (1999). Gender differences in the epidemiology and treatment of anxiety disorders. Journal of clinical psychiatry, 60 (suppl 18), pp. 4-15.
- Ender S. C and Newton, B (2010). Students helping students: a guide for peer educators on college campuses. San Francisco: jossey-bass.
- Viện ngôn ngữ học (2003). Từ điển Tiếng Việt. NXB Đà Nẵng.
- Nguyễn Thị Hằng Phương (2009). Thực trạng và nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu ở học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Quảng Bình. Tạp chí tâm lí học, số 6, tr 38-48.
- Đỗ Văn Đoạt (2018). Khảo sát chiến lược ứng phó với căng thẳng trong kì thi chuyển cấp của học sinh ở Hà Nội. Kỉ yếu hội thảo quốc tế học đường lần NXB Đại học Sư phạm, tr 214 -219.
- Nguyễn Thị Phương Hoa (2018). Một số vấn đề về tham vấn tâm lí học sinh trong nhà trường phổ thông. Kỉ yếu hội thảo quốc tế học đường lần 6. NXB Đại học Sư phạm, tr 532-540.
- Đỗ Minh Thuý Liên – Vũ Phương Nhi (2018). Ảnh hưởng của một số yếu tố tâm lí xã hội đến kết quả học tập của học sinh trung học phổ thông. Kỉ yếu hội thảo quốc tế học đường lần NXB Đại học Sư phạm, tr 228-238.
- Trần Thị Lệ Thu (2018). Công tác tư vấn tâm lí cho học sinh của giáo viên chủ nhiệm tại hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy. Kỉ yếu hội thảo quốc tế học đường lần NXB Đại học Sư phạm, tr 796-807).
- Nguyễn Thị Hằng Phương – Đinh Xuân Lâm (2019). Thực trạng mức độ căng thẳng trong học tập của học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tạp chí Giáo dục. Số đặc biệt. Kỳ 2 tháng 5/2019, tr.121-127.
- TS. Trần Thành Nam – Ths. Nguyễn Phương Hồng Ngọc (2020). Cẩm nang chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, sinh viên.
- Thái Phương Linh (2017). Căng thẳng tâm lý ở học sinh lớp 12 trước kì thi THTP Quốc gia. Luận văn thạc sĩ Tâm lý học. Trường ĐHKHXH và NV.
Nghiên cứu đạt giải trong Cuộc thi Khoa học kĩ thuật tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021.
Vui lòng xem link Báo cáo nghiên cứu đầy đủ tại đây: https://docs.google.com/document/d/11-07daFlFu2Un_cttd5HsrPxRDrWmssI/edit