Thời gian qua, dư luận lại dậy sóng trước những tai nạn thương tâm mà nguyên nhân xuất phát từ vấn đề bạo lực học đường trong trường học. Giải pháp nào để ngăn chặn bạo lực học đường – đây là vấn đề đặt ra với toàn ngành giáo dục.
Từng tiếp xúc, lắng nghe và hỗ trợ, tư vấn cho nhiều đối tượng học sinh, cô Lưu Thị Phương Loan – chuyên viên tâm lý học đường cho rằng, bạo lực học đường luôn là một trong những vấn đề nan giải, có tính chất báo động tại các trường học, đặc biệt là khối phổ thông. Phía sau các vụ bạo lực học đường là những nỗi đau và nhiều trăn trở.
Bạo lực học đường bao gồm rất nhiều loại như bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế, bạo lực trên môi trường mạng,..
Nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ môi trường sống, tâm lý của học sinh, tác nhân trong xã hội và một số yếu tố bên ngoài.
Trong quá trình phát triển tâm sinh lý của các em học sinh, khi không được gia đình quan tâm hay môi trường sống thường xuyên chứng kiến, tiếp xúc với bạo lực hoặc từng là nạn nhân của bạo lực sẽ là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bạo lực học đường.
Điều này khiến các em muốn tạo sự thu hút, khẳng định cái tôi của mình. Lâu dần, các em có xu hướng hình thành thói quen dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, dùng quyền lực để gây sự chú ý.
Đánh giá về việc phòng chống bạo lực học đường hiện nay tại các cơ sở giáo dục, cô Loan cho rằng:
“Các trường học hiện nay đã nỗ lực, đưa ra các hoạt động tuyên truyền và phòng ngừa bạo lực học đường, giúp học sinh xây dựng những kỹ năng cơ bản và bảo vệ mình. Tuy nhiên, việc này vẫn xảy ra và có nguy cơ ngày càng gia tăng ở các trường học. Các em học sinh thiếu kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp và tìm kiếm nguồn chia sẻ”.
Để ngăn ngừa bạo lực học đường, theo cô Loan, cần có sự phối hợp, chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Phía phụ huynh, cần thường xuyên quan tâm và kết nối với con cái, tìm hiểu những khó khăn để đồng hành cùng con.
“Đối với bạo lực về thể chất có thể biểu hiện hay ở bên ngoài nhưng bạo lực về tinh thần thì khó có thể nhận biết nếu con không chia sẻ và cha mẹ cũng không biết cách trò chuyện, tâm sự với con” – cô Loan nói.
Đối với nhà trường, theo cô Loan, việc lồng ghép nội dung phòng ngừa trong chương trình học là rất quan trọng. Trong các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động các bộ môn khác có thể kết hợp các nội dung tuyên truyền giúp các em nhận biết được mặt trái, hậu quả để có thể phòng ngừa bạo lực học đường trong nhà trường. Cần giáo dục để học sinh ý thức, khi gặp bất kỳ khó khăn, hay thậm chí bị đe doạ, các em cần tìm đến sự giúp đỡ càng sớm càng tốt.
Về phía các em học sinh, cô Phương Loan khuyên rằng, khi gặp khó khăn hay bị đe dọa thì cần tìm kiếm sự trợ giúp càng sớm càng tốt thay vì âm thầm chịu đựng.
“Các em học sinh cũng cần chủ động trang bị cho mình những kỹ năng ứng phó, kỹ năng mềm như kiểm soát cảm xúc, ra quyết định giải quyết vấn đề, định hướng giá trị bản thân,… Có những kỹ năng đó các em mới có thể giải quyết các khó khăn không riêng gì bạo lực học đường” – cô Loan dành lời khuyên cho các em học sinh.
Theo Báo Lao động