Đứng trước Kỳ thi Tốt nghiệp THPT quan trọng cùng với những suy tư, lo âu khác khiến các bạn học sinh gặp phải tình trạng căng thẳng. Cùng tìm hiểu xem những dấu hiệu nào cho biết bạn đang gặp phải căng thẳng và nên chia sẻ để được giải tỏa.
Căng thẳng trong cảm xúc
Cảm xúc thường xuất hiện và chi phối các bạn rất nhiều khi gặp các vấn đề căng thẳng. Theo khảo sát, các bạn học sinh gặp phải rất nhiều cảm xúc khác nhau, mức độ là tương đồng.
Các bạn thường có cảm xúc “lo lắng”; “căng thẳng khi phải học quá nhiều môn một lúc”; “mệt mỏi vì thời gian học từ sáng đến tối”.
Ngoài ra, các bạn cũng cảm thấy buồn bã, chán nản, thờ ơ trước việc học tập, bạn bè và hạn chế tương tác. Cảm xúc đặc biệt nguy hiểm là tình trạng các bạn cảm thấy đánh mất giá trị ở bản thân, cảm thấy khó chịu, cảm thấy dễ bị tổn thương.
Căng thẳng trong nhận thức
Thường xuyên nhầm lẫn trong tính toán, không có khả năng tập trung trong học tập là những biểu hiện đầu tiên của việc căng thẳng trong nhận thức của các bạn học sinh. Khả năng phân tích, suy luận bài vở, ghi nhớ nội dung bài học kém cũng xuất phát từ những căng thẳng
Sự mệt mỏi về trí tuệ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tập trung chú ý của học sinh, các bạn dễ bị phân tán chú ý trong học tập trên lớp cũng như ở nhà. Những điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình ôn luyện và kết quả thi cử của các bạn.
Căng thẳng trong hành vi
Biểu hiện rõ nét nhất trong hành vi ứng xử của các bạn học sinh khi bị căng thẳng là “nổi cáu, bực bội hoặc nóng tính”. Các biểu hiện “hay quên hoặc trở nên vụng về”, “giờ giấc sinh hoạt lộn xộn” cho thấy bạn đang gặp căng thẳng và cần được tư vấn.
Nếu có biểu hiện hành vi “sử dụng chất kích thích” và “ chống đối, tiêu cực” thì cần kiểm soát và đến phòng tâm lý để có những biện pháp giải quyết kịp thời.
Căng thẳng trong thể chất
Không nên xem thường các biểu hiện “đau nhức đầu”, “căng cơ hoặc đau cơ bắp”, “chóng mặt”,.. vì đó là một trong những dấu hiệu cho biết bạn đang căng thẳng.
Ngoài ra, những biểu hiện “đau bụng”, “khô miệng”, “đổ mồ hôi” và “rối loạn tiêu hoá” thường ít gặp nhưng nếu xảy ra thường xuyên thì các bạn nên đi khám để xác nhận tình trạng sức khỏe và được tư vấn.
Sở dĩ có những biểu hiện trên là do trong quá trình học tập, nhất là trong quá trình giải quyết các bài tập khó ở mức độ cao gây căng thẳng thần kinh. Khi thần kinh phải làm việc ở mức độ cao sẽ huy động năng lượng tích trữ ở gan, mô mỡ, cơ.
Khi giải phóng năng lượng cần một lượng oxy nhiều hơn mức bình thường làm cho các cơ giải phóng axit lactic gây nên mệt mỏi cơ thể và cơ thể có cảm giác thiếu năng lượng. Để bù lại năng lượng đã mất trong cơ thể xảy ra cơ chế giảm hoạt động của một số cơ quan bộ phận làm giãn cơ, gây ức chế vận động.
Do vậy học sinh thường xuyên có trạng thái mệt mỏi, đau đầu, bụng cồn cào, đau lưng, đau cơ bắp… Đây là những biểu hiện các bạn học sinh đang trong giai đoạn báo động của cơ thể để lập lại cân bằng.
Nếu bạn gặp phải nhiều trong những dấu hiệu trên, hãy chia sẻ để được chúng tôi tư vấn!
Tác giả: Lưu Thị Phương Loan