HỌC TẬP CẢM XÚC XÃ HỘI (SEL) VÀ NHỮNG LỢI ÍCH CỦA SEL TRONG TRƯỜNG HỌC

HỌC TẬP CẢM XÚC XÃ HỘI (SEL) VÀ NHỮNG LỢI ÍCH CỦA SEL TRONG TRƯỜNG HỌC (Phần 1: SEL là gì? Các năng lực chính của SEL?)

SEL là gì?

Nhiều nghiên cứu khoa học thời gian gần đây đánh giá cao vai trò chỉ số thông minh cảm xúc EQ (Emotional Quotient) quyết định tới 80% thành công và hạnh phúc của nhiều người, trong khi đó chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quotient) chiếm 20%. Trong công việc, 6/10 kỹ năng quan trọng nhất của tương lai liên quan đến năng lực cảm xúc xã hội (Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới 2016). Vì vậy, giáo dục cảm xúc xã hội SEL (Social Emotional Learning) đã trở thành thuật ngữ quen thuộc và được quan tâm, coi trọng trong nền giáo dục của nhiều quốc gia.

SEL được khởi nguồn tại Mỹ, từ thành phố New Haven, bang Connecticut. Nhân vật nổi bật của phong trào SEL là Giáo sư Tâm lý học Roger Weissberg (Đại học Yale) và nhà giáo dục Timothy Shriver (New Haven), trên cơ sở hợp tác những năm 1987 – 1992 đã cho ra đời chương trình Giáo dục xã hội bậc phổ thông của New Haven. Cũng trong thời gian này, quỹ W.T.Grant do Weissberg và Maurice Elias đứng đầu tài trợ cho dự án “Thúc đẩy năng lực xã hội trong trường học”. Dự án này tạo ra khung tích hợp giáo dục cảm xúc xã hội trong trường học, nhấn mạnh những kỹ năng cảm xúc cần thiết: xác định và gọi tên cảm xúc, thể hiện cảm xúc, đánh giá mức độ cảm xúc, điều chỉnh cảm xúc và xung động, giảm căng thẳng.

Năm 1994, thuật ngữ “Học tập cảm xúc xã hội” (Social Emotional Learning) chính thức được công nhận khi tổ chức CASEL ra đời. Tổ chức Hợp tác về Học thuật và Học tập Cảm xúc Xã hội CASEL (Collaborative for Academic, Social and Emotional Learning) trở thành tổ chức có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong việc đẩy mạnh việc nghiên cứu và thực hiện các mục tiêu của SEL trên toàn cầu.

SEL cung cấp một mô hình tổng quan với những tiêu chuẩn phù hợp nhằm liên kết nhiều chương trình về giáo dục lối sống, nhân cách, hành vi đang có trong nhà trường nhằm tạo một hiệu quả tổng lực trong việc phát triển của học sinh. Những khía cạnh tốt nhất của nó có thể được kết hợp để giúp đáp ứng các nhu cầu về giáo dục và sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Về định nghĩa, có thể hiểu SEL theo nghĩa sau: SEL là một quá trình mà thông qua đó chúng ta học cách nhận biết và quản lý cảm xúc của mình, quan tâm đến người khác, ra quyết định đúng đắn, cư xử một cách có đạo đức và trách nhiệm, phát triển những mối quan hệ tích cực, và tránh những hành vi tiêu cực (Zins, Bloodworth, Weissberg & Walberg, 2004).

Các năng lực cốt lõi của SEL

CASEL đã đưa ra năm nhóm năng lực cốt lõi của giáo dục cảm xúc xã hội:

Nhận thức bản thân (self-awareness): khả năng nhận diện và chấp nhận cảm xúc; nhận thức đúng đắn về bản thân; nhận biết điểm mạnh, nhu cầu và giá trị cá nhân của mình; ý thức về sự tự chủ và phát triển nhận thức.

Làm chủ bản thân (self-management): được thể hiện bởi những kỹ năng tự quản lý, điều khiển nội tại và khả năng chuyển chúng thành hành động; kiểm soát sự bốc đồng, quản lý căng thẳng, tự động viên bản thân và tự kỷ luật; khả năng thiết lập những mục tiêu phù hợp và thiết lập kế hoạch hành động để đạt được những mục tiêu đó.

Ra quyết định có trách nhiệm (responsible decision making): phát triển khả năng ra quyết định một cách có trách nhiệm, bao gồm khả năng nhận diện vấn đề và đánh giá tình huống nảy sinh vấn đề, sử dụng các kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả, đánh giá và suy ngẫm về những giải pháp khác trong cuộc sống; phát triển ý thức trách nhiệm cá nhân.

Nhận thức xã hội (social awareness): khả năng tạo mối liên hệ hiệu quả với người khác, bao gồm khả năng hiểu được góc nhìn của người khác và thấu cảm với người khác; hiểu sự đa dạng chủng tộc và tôn trọng người khác, tôn trọng sự khác biệt.

Làm chủ các mối quan hệ (relationship skills): Thiết lập và duy trì các mối quan hệ lành mạnh dựa trên việc hợp tác và chống lại các áp lực xã hội không phù hợp; ngăn chặn, kiểm soát và giải quyết các mâu thuẫn giữa các cá nhân với nhau theo cách mang tính xây dựng; tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.

 

                                                                                       Tác giả: Lưu Thị Phương Loan

(Tổng hợp từ nguồn tham khảo:

www.casel.com

http://www.uic.edu/labs/selrg/about.html

– Hồng Đinh (2022), Phát triển năng lực cảm xúc xã hội, Nxb Thế giới)