Giúp học sinh vững tâm bước vào mùa thi

Trước áp lực của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 đang đến gần, học sinh dễ gặp nguy cơ về vấn đề tâm lý, ngành GDĐT đã triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường, chăm sóc sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí ở lứa tuổi học sinh nhằm giúp các em đảm bảo sức khỏe thể chất, tinh thần để tập trung ôn luyện đạt kết quả cao.

“Mục tiêu của em là thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Bố mẹ đặt kỳ vọng quá lớn khiến em gặp vấn đề tâm lý, thường lo lắng, buồn bã và có lúc tự ti nên dễ nổi cáu”.

“Em cảm thấy rất stress trong hầu hết thời gian ở một mình, trong học tập và việc phải ganh đua với các bạn. Em dễ nổi cáu, mệt mỏi. Có những thời điểm, em gặp khủng hoảng tâm lý, tự rạch tay làm đau, làm tổn thương bản thân…”.

Đó là 2 trong số hàng trăm chia sẻ của học sinh trước áp lực học tập, thi cử. Theo các chuyên gia tâm lý học, áp lực và căng thẳng trước một sự kiện quan trọng là điều dễ hiểu, nhất là đối với học sinh THCS, THPT đang đứng trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 thì càng bị áp lực về tinh thần nhiều hơn.

Ở khía cạnh tích cực, áp lực sẽ tạo ra động lực để học sinh cố gắng vượt qua khó khăn, đạt được mục tiêu và kế hoạch học tập đã đề ra, phấn đấu cho tương lai. Tuy nhiên, nếu áp lực căng thẳng kéo dài, không kiểm soát sẽ gây tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần, gây ra các rối loạn tâm lý, dẫn đến lo âu, trầm cảm…

Trước thực tế đó, cùng với việc đổi mới công tác dạy và học theo hướng giảm tải của Bộ GDĐT, với tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương, ngành GDĐT tăng cường các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần của học sinh, đồng hành cùng các em “vượt vũ môn”.

Sở GDĐT phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức các buổi tập huấn kiến thức kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí trong lứa tuổi học sinh tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh như Trường THCS Xuân Hòa, Trường THPT Hai Bà Trưng, Trường THCS Trung Nguyên…

Là chuyên viên tư vấn tâm lý học đường của Sở GDĐT, tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí trong lứa tuổi học sinh cho nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, thạc sĩ Lưu Thị Phương Loan cho biết: “Tại các buổi tập huấn, tôi hướng dẫn học sinh thực hiện các động tác thể dục nâng cao sức khỏe, tạo sự thư giãn thoải mái cho não bộ; truyền tải các nội dung về tâm lý lứa tuổi học sinh, các yếu tố tác động đến tâm lý của học sinh, nguyên nhân và các biểu hiện cho thấy học sinh bị rối nhiễu tâm trí, gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, cách chăm sóc sức khỏe tâm lý trong mùa thi, cách tự phát hiện những vấn đề của bản thân và tìm ra phương pháp xử lý phù hợp…”.

Để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, Trường THPT Vĩnh Yên vận hành bài bản, đúng quy trình, chức năng của Phòng Tâm lý học đường. Chuyên viên tâm lý của phòng được đào tạo chuyên môn bài bản và có kinh nghiệm thực tế. Hoạt động của phòng có sự hỗ trợ của chuyên gia, cố vấn tâm lý.

Trong năm học, Phòng Tâm lý học đường thường xuyên tổ chức khảo sát, sàng lọc để phát hiện các khó khăn tâm lý của học sinh, từ đó lên kế hoạch và tổ chức các chương trình tư vấn tâm lý, phòng ngừa các vấn đề tâm lý học đường cho học sinh; phối hợp với phụ huynh trong các hoạt động giáo dục, tư vấn tâm lý cho các em…

Tại Trường THCS Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh được đẩy mạnh. Cô giáo Nguyễn Lam Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Hòa cho biết: “Nhà trường tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tổ chức tập huấn giúp học sinh nâng cao nhận thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe tinh thần; duy trì hiệu quả của công tác tư vấn tâm lý học đường; giáo viên cung cấp số điện thoại riêng và sẵn sàng hỗ trợ các em về học tập, tâm lý; thậm chí các thành viên Ban tư vấn học đường như cô Bùi Thị Thúy Hằng, cô Hồ Thị Hồng Gấm… còn tiếp nhận điện thoại tư vấn tâm lý cho học sinh giữa đêm khuya”.

Đối với mỗi học sinh, cần lập kế hoạch học tập và nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo chế độ ăn uống, tích cực luyện tập thể dục-thể thao, các hoạt động giải trí và không đặt áp lực, mục tiêu quá cao với năng lực bản thân. Học sinh cũng cần tham gia các chương trình tập huấn để tạo kỹ năng trong giải quyết các vấn đề tâm lý của bản thân hoặc có thể liên hệ khi cần sự hỗ trợ của bố mẹ, thầy, cô giáo, chuyên gia.

Em Nguyễn Hán Lâm Anh, học sinh lớp 9A3, Trường THCS Xuân Hòa cho biết: “Tham gia tập huấn về chăm sóc sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí ở lứa tuổi học sinh, em được nâng cao nhận thức về tác hại của các bệnh lý tâm thần và thần kinh.

Em sẽ chủ động trò chuyện, chia sẻ với bố mẹ, thầy, cô giáo về những suy nghĩ, mong muốn của bản thân, những vấn đề khó khăn về tâm lý đang gặp phải để được hỗ trợ kịp thời; tích cực tham gia các hoạt động thể thao, giải trí để giữ cho tinh thần thoải mái, vui tươi, từ đó học tập tốt để bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới”.

Với sự hỗ trợ của cha mẹ, thầy, cô giáo và sự nỗ lực, chủ động của bản thân, các em học sinh sẽ có thái độ sống và hành vi ứng xử tích cực để tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần của bản thân; tự trang bị kỹ năng, bản lĩnh để vượt qua các áp lực trong học tập, thi cử và đạt kết quả cao.

Theo Vĩnh Phúc Online