Giấc ngủ là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi người. Đặc biệt đối với các bạn học sinh một giấc ngủ đủ, tốt và khoa học là điều vô cùng cần thiết giúp cân bằng sức khỏe, giảm bớt áp lực và căng thẳng trong học tập.
Giấc ngủ ảnh hưởng đến chất lượng ôn tập của các bạn học sinh
Với các bạn học sinh, thiếu ngủ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp thu kiến thức mới. Các nhà khoa học cho rằng để tiếp nhận kiến thức mới, các bạn học sinh sẽ cần ngủ trước và sau khi học. Nguyên nhân là vì vào thời điểm bạn ngủ sâu nhất, các đợt sóng não sẽ vận chuyển thông tin được tiếp nạp từ vùng đồi hải mã (nơi lưu giữ bộ nhớ ngắn hạn) đến vỏ não (bộ phận lưu trữ ký ức dài hạn). Điều này giúp “chuyển hóa” kiến thức mới thành ký ức lâu dài, đồng thời “giải phóng” không gian ở vùng hải mã và tạo điều kiện cho việc thu nạp thêm kiến thức khác.
Mặt khác, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc ngủ ít hơn một giờ mỗi ngày có nguy cơ làm giảm 40% khả năng học tập của bạn. Do đó, nếu muốn vượt qua kỳ thi cam go, thay vì thức đêm học bài, bạn nên học từ trước và đảm bảo mình ngủ đủ giấc.
Nguyên tắc dậy sớm tốt hơn thức khuya
Các chuyên gia sức khỏe cho rằng thay vì thức khuya dậy để học bài, các học sinh có thể chọn cách dậy sớm. Nếu có quá nhiều bài để học, bạn có thể đi ngủ sớm và dậy từ lúc 4 giờ sáng để ôn hết bài, thay vì thức đến 2 giờ sáng. Với cách làm này, cơ thể bạn tiếp tục hoạt động sau khi đã ngủ một giấc dài để tái tạo năng lượng thay vì bắt cơ thể phải thức một đêm dài. Đồng thời, với nhiều người, buổi sáng cũng là thời gian học hiệu quả nhất.
Ngoài ra, các sĩ tử có thể tranh thủ ngủ trưa từ 30 phút – 1 tiếng vì một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa giúp bạn tỉnh táo và tăng cường năng lượng tốt nhất trong tất cả các khoảng thời gian ngủ. Hơn nữa, thời gian ngủ trưa ngắn sẽ ngăn bạn đi vào giấc ngủ sâu nên bạn có thể tránh được tình trạng mệt mỏi và lờ đờ khi vừa ngủ dậy.
Hãy ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày
Dù đang trong quá trình ôn thi căng thẳng, các sĩ tử vẫn không được xem thường giấc ngủ mà vẫn phải ngủ ít nhất từ 6-8 tiếng mỗi ngày. Nếu không ngủ đủ, các sĩ tử sẽ lập tức “gánh chịu” những hậu quả về sức khỏe lẫn tinh thần. Nếu thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, giảm bài tiết hormon tăng trưởng, giảm ăn, ăn mất ngon, chậm tiêu, kéo dài sự kích thích vỏ não dẫn tới suy nhược hệ thần kinh và toàn cơ thể, từ đó sẽ giảm năng suất học tập. Về lâu dài, thiếu ngủ còn tăng nguy cơ đau tim, rối loạn đường huyết,…
Các chuyên gia sức khỏe cho rằng các bạn học sinh không nên lạm dụng đồ uống có cồn hoặc caffeine trong những lúc thức khuya học bài. Theo các chuyên gia, các chất kích thích này có thể làm bạn không buồn ngủ nhưng cũng không giúp bạn tập trung hoặc có trạng thái tốt nhất để tiếp nhận kiến thức. Đồng thời, các chất kích thích này còn có thể khiến bạn mệt mỏi vào ngày hôm sau gây ảnh hưởng đến chất lượng ôn tập.
Các sĩ tử có thể sử dụng một số ứng dụng như Sleep Cycle, Pillow, Pzizz…để cải thiện giấc ngủ. Các ứng dụng này sẽ giúp theo dõi chu kỳ giấc ngủ để đảm bảo bạn có giấc ngủ đầy đủ nhất hoặc gợi ý các bản nhạc hay để ngủ ngon giấc hơn.