Áp lực học tập là những căng thẳng, mệt mỏi mà con người gặp phải trong quá trình học. Nói cách khác, áp lực học tập là việc học quá sức so với sức khỏe của học sinh, gây ra các áp lực căng thẳng và stress dẫn đến một số bệnh lý nghiêm trọng.
1.Những dấu hiệu, biểu hiện của việc áp lực học tập:
Học sinh luôn cảm thấy mệt mỏi, chán chường, không có hứng thú với những thói quen thường ngày. Các em luôn cảm thấy buồn bực, chán nản, cảm thấy cuộc sống vô vị, học tập không tập trung.
Các em thường xuyên để nỗi lo về học tập lấn áp tâm trí mình. Trong quá trình học tập luôn sợ sai, sợ phải đến lớp, sợ phải đi học. Lâu dần, sự lo lắng đấy lấn áp tâm trí, khiến người học rơi vào trạng thái sầu muộn, không có tinh thần để bận tâm đến những giá trị khác trong cuộc sống thường nhật.
Áp lực tăng dần khiến cho các em có cảm giác mất niềm tin vào bản thân và có suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống.Các em luôn nghĩ rằng bản thân không làm được gì, luôn sai như cách các bạn chọn câu trả lời trong học tập. Từ việc mất niềm tin vào bản thân, khiến các bạn trẻ luôn có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Thay vì nhìn nhận tích cực, lạc quan về những điều đã, đang và sẽ xảy ra, họ lại chọn nhìn nhận theo hướng tiêu cực.
2. Nguyên nhân của áp lực học tập
Phần lớn các em học sinh gặp vấn đề áp lực từ thành tích học tập, hình ảnh của mình đối với gia đình và bạn bè. Đôi khi việc nhận được quá nhiều kỳ vọng từ gia đình, nhà trường cũng tạo ra áp lực rất lớn đối với các em.
Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng có thể bắt nguồn từ chương trình học và khối lượng kiến thức quá lớn khiến các em bị quá tải, vượt quá khả năng của các bạn.
Ngoài ra còn là áp lực đồng trang lứa khi các em học sinh trông thấy thành tích của bạn bè mình mà tự cảm thấy kém cỏi, cảm thấy bản thân vẫn còn loay hoay chưa có định hướng.
3. Hậu quả của áp lực học tập
Trước nguyên nhân và thực trạng của áp lực học tập, cô Lưu Thị Phương Loan cho rằng nếu không phát hiện cũng như điều trị kịp thời cho các em học sinh thì sẽ có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc mà thực tế đã chứng minh.
Áp lực học tập làm suy giảm sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần của các em học sinh. Tình trạng áp lực kéo dài khiến các em chán ăn, mất ngủ thường xuyên, đem tới những hệ quả xấu cho sức khỏe. Áp lực học tập cũng là nguyên nhân chính dẫn tới trầm cảm ở lứa tuổi học sinh..
4. Những cách giúp giảm áp lực trong học tập
– Về phía người học:
+ Các bạn cần lên cho mình một kế hoạch học tập chi tiết và khoa học. Bản kế hoạch này phải dựa trên năng lực và tiêu chí mà chính bản thân các bạn đã đề ra.
+ Các bạn phải biết tự cân bằng giá trị sống của mình. Chơi và học, học và làm những điều mình thích. Học quan trọng, song sở thích của các bạn cũng quan trọng, bởi nó là gia vị giúp cuộc sống thêm ý nghĩa. Việc tăng cường rèn luyện thể chất cũng hỗ trợ giúp giảm áp lực cho các bạn.
– Về phía gia đình: Bố mẹ cần quan tâm đến mong muốn thực sự của con cái, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng hay áp lực cho con. Để ý những biển hiện sức khỏe thể chất và tâm thần của con để kịp thời điều trị và có hướng giải quyết, tránh để hậu quả nặng nề.
Áp lực học tập mang đến những hậu quả nặng nề về sức khỏe, tình thần cho học sinh, sinh viên. Vì vậy, thay vì để người học rơi vào áp lực, thì gia đình, nhà trường và xã hội cần thực hiện những biện pháp để bảo vệ họ. Không bị áp lực về học tập là cách tốt nhất để người học tự tin thể hiện bản thân, phấn đấu để xây dựng tương lai cho chính mình.