Nhiều sinh viên hiện nay phải đối mặt với rất nhiều áp lực, đến từ việc học tập, kỳ vọng của gia đình và những hoài bão của bản thân…
Áp lực thành tích và định hướng tương lai
Là sinh viên năm cuối Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Phan Hoài Nam lúc nào cũng trăn trở suy nghĩ cho những dự định tương lai.
“Em đã suy nghĩ rất nhiều và không ít lần tự tạo áp lực lên bản thân nhưng cũng không thể tìm ra được hướng giải quyết. Việc thành tích học tập, điểm số hay sắp tới ra trường sẽ làm gì luôn là nỗi lo với chúng em” – Nam nói.
Cũng giống như Hoài Nam, Lê Thu Hiền – sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã không biết bao lần tự tạo áp lực cho bản thân.
“Xung quanh em rất nhiều các bạn học giỏi, có thành tích cao, tự lập về tài chính ngay cả khi chưa ra trường. Bản thân mình cùng trong một môi trường nhưng lúc nào cũng cảm thấy kém cỏi, giờ vẫn phải bận tâm hoàn thành các tín chỉ để ra trường đúng hạn” – Thu Hiền bày tỏ.
Những sinh viên như Hoài Nam, Thu Hiền, lên Hà Nội học tập, sinh sống, mang theo kỳ vọng của gia đình, người thân. Chính vì vậy, khi đối mặt với những áp lực, khó khăn, các em đều rất khó để chia sẻ với người thân hay bạn bè.
Những áp lực lớn dần khiến không ít sinh viên cảm thấy thiếu hụt năng lượng, không có sức khỏe tốt để phát triển hết năng lực của bản thân.
Cần giải tỏa những áp lực của bản thân
Cô Lưu Thị Phương Loan – chuyên viên tâm lý học đường cho rằng, hiện nay, sinh viên phải đối mặt với rất nhiều áp lực.
Những căng thẳng, áp lực có thể bắt nguồn từ áp lực học tập, các vấn đề tài chính, khó hòa nhập với môi trường mới, mâu thuẫn trong các mối quan hệ,… Nếu không biết cách kiểm soát, căng thẳng có thể kéo dài khiến sức khỏe sinh viên bị ảnh hưởng và thành tích học tập giảm sút.
Nguy hiểm hơn, việc chịu đựng quá nhiều áp lực cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các dấu hiệu trầm cảm ở các bạn sinh viên.
Cô Phương Loan cho biết thêm, các dấu hiệu của việc chịu nhiều căng thẳng, áp lực được biểu hiện qua sắc thái giảm, mất hứng thú với những việc trước đây yêu thích hoặc hay làm, thiếu năng lượng, mệt mỏi, buồn chán, thậm chí ở mức độ nặng hơn nhiều bạn tự làm hại bản thân, có ý định tự sát .v.v.
“Các bạn sinh viên nên tránh việc để những áp lực đè nặng lên mình trong thời gian dài. Để làm được điều đó, phải lên kế hoạch cân đối, hài hòa thời gian học tập, vận động thể chất. Việc tham gia các môn thể thao yêu thích không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn làm giảm áp lực cho các bạn.
Sinh viên cũng cần học cách chia sẻ cho người thân, bạn bè mà mình tin tưởng để cảm thấy được giải tỏa. Từ đó, mới có thể tìm ra cách giải quyết các vấn đề. Nếu không có cách khắc phục hay giải tỏa những áp lực đó sẽ có thể gây ra nhiều hệ lụy về sau” – cô Phương Loan cho lời khuyên.
Theo Báo Lao động