Thực trạng khó khăn tâm lý và các chiến lược ứng phó của học sinh trung học phổ thông giai đoạn hậu COVID – 19 tại thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc

 

HVCH. Lưu Thị Phương Loan

Học viện Quản lý Giáo dục, SĐT: 0978810283, Email:luuphuongloan102@gmail.com

PGS.TS. Trần Văn Công

Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN

 

Tóm tắt: Nghiên cứu này là sự tiếp nối về đánh giá thực trạng cũng như diễn tiến trong sức khoẻ tâm thần của học sinh THPT sau khi dịch COVID – 19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam. Có tất cả 590 học sinh THPT từ thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia vào nghiên cứu này, trong đó: 34.2% là học sinh nam, 63.7% là học sinh nữ và 2.0% học sinh chọn giới tính khác. Phương pháp thu thập dữ liệu chính được sử dụng trong nghiên cứu này là điều tra bằng bảng hỏi với hai thang đo (1) Khó khăn tâm lý của học sinh THPT gồm 35 câu (bốn nhân tố) và (2) Các chiến lược ứng phó gồm 13 câu (một nhân tố). Kết quả cho thấy việc tự đánh giá thấp bản thân có điểm trung bình cao nhất theo báo cáo của học sinh, sau đó là thiếu định hướng nghề nghiệp và mối quan hệ tiêu cực. Cả học sinh nữ và học sinh giới tính khác đều tự đánh giá thấp bản thân nhiều hơn có ý nghĩa so với học sinh nam. Trong khi học sinh nam có xu hướng lựa chọn cách ứng phó tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài (như nhờ thầy cô giúp đỡ, tư vấn) thì học sinh nữ lại chọn cách ứng phó tự thân (như viết nhật kí và bỏ mặc vấn đề).

Từ khoá: hậu COVID, khó khăn tâm lý, chiến lược ứng phó, học sinh THPT, v.v.

 

High school students’ psychological difficulties and coping strategies in the post  COVID-19 period in Hanoi city and Vinh Phuc province

Abstract: This study is a continuation of the status and progress in the mental health of high school students after the COVID-19 epidemic has been well-controlled. A total of 590 high school students from Hanoi city and Vinh Phuc province participated in the study: 34.2% were male students, 63.7% were female students, and 2.0% of students chose another gender. The primary data collection method used is a questionnaire survey with two scales (1) Psychological difficulties of high school students including 35 items (four factors) and (2) Coping strategies consisting of 14 items (one factor). The results showed that low self-esteem had the highest average score reported by students, followed by a lack of career orientation and negative relationships. Both female students and students who chose another gender had significantly lower self-esteem than male students. While male students tended to cope by seeking support (such as asking teachers for help and advice), female students chose to cope independently (such as writing a diary and ignoring problems)

Keywords: post-COVID, psychological difficulties, coping strategies, high school students, etc.

 

  1. Đặt vấn đề

Sự phát triển mạnh mẽ và nỗ lực toàn diện của xã hội hiện nay tạo ra nhiều thuận lợi về điều kiện vật chất, cơ sở kĩ thuật và các nhu cầu về tinh thần cho con người. Tuy nhiên, như là mặt trái của sự phát triển, chúng ta đồng thời phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ thể chất và tinh thần. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, sức khỏe tâm thần là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của sức khỏe cộng đồng. Gần 1 tỷ người đang sống với những rối loạn tâm thần và cứ 40 giây lại có một người chết vì tự tử. Tại những quốc gia đang phát triển và kém phát triển, hơn 75% người đang gặp những rối loạn về tâm thần, thần kinh hay vấn đề liên quan đến chất kích thích không được trị liệu đúng cách (Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức, 2021)

“Sức khỏe tâm thần học đường” là thuật ngữ được đề cập tới nhiều trong khoảng 10 năm trở lại đây. Các nghiên cứu dịch tễ về sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên đã thống kê tỷ lệ đáng quan tâm, chú ý. Cũng theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới, 20% trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới được tiên lượng là có rối loạn hay vấn đề về tâm thần. Trong đó, khoảng 1/2 các rối loạn tâm thần bắt đầu từ trước lứa tuổi 14. Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu đã cho thấy con số thống kê báo động về tỉ lệ học sinh phổ thông gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần (Trần Văn Công và cộng sự, 2019)

Hơn 2 năm qua, dịch COVID – 19 ảnh hưởng nặng nề tới các mặt đời sống kinh tế – xã hội, đặc biệt là ngành Giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải điều chỉnh; gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn. Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của trẻ em, học sinh đặc biệt là sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần (Báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội, 2022). Có thể nhận thấy, sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch COVID – 19, tình trạng sức khỏe tâm thần của con người có nhiều dấu hiệu báo động, đặc biệt đối với học sinh ở mọi lứa tuổi. Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông, cụ thể với văn bản chỉ đạo số 4252/BGDĐT-GDCTHSSV về việc “Tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông” ngày 31/08/2022 nêu rõ “…sau 02 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19, nhiều học sinh đã gặp các vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi trầm cảm, tự tử….Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, đảm bảo và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông…” (Công văn số 4252/BGDĐT-GDCTHSSV, 2022)

Nghiên cứu của chúng tôi là sự tiếp nối đánh giá thực trạng cũng như diễn tiến trong sức khoẻ tâm thần của học sinh THPT sau khi dịch COVID – 19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam và đang trong quá trình phục hồi mạnh mẽ từ những hệ quả mà đại dịch gây ra. Nhìn chung, học sinh THPT là nhóm tuổi gần như đã trưởng thành về thể chất và sự phát triển tâm lý. Các em trở nên chín chắn hơn, tư duy và suy nghĩ thấu đáo hơn giai đoạn trước đó nhưng đồng thời, cũng phải đáp ứng nhiều yêu cầu mới của cuộc sống, đối mặt với nhiều khó khăn tâm lý về học tập, định hướng nghề nghiệp và trong các mối quan hệ. Kết quả của nghiên cứu này có thể đóng góp vào cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn về sức khoẻ tâm thần của học sinh trong các bối cảnh với nhiều biến động khác nhau; cùng với đó, xác định được phần nào về khả năng phục hồi và kĩ năng ứng phó của các em.

  1. Tổng quan nghiên cứu

Phần lớn các nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của con người trên thế giới thời gian gần đây đều tập trung vào tâm điểm đại dịch COVID – 19. Những nghiên cứu này tập trung tìm hiểu tác động của COVID – 19 lên sức khỏe tâm thần của con người, trong đó đối tượng được quan tâm nhiều hơn cả là trẻ em và thanh thiếu niên.

2.1. Khó khăn tâm lý của học sinh THPT trong bối cảnh dịch COVID-19

Vào năm 2020, nghiên cứu của Helen Cowie và Carrie Anne Myers đã chỉ ra những nguy cơ mà trẻ em và thanh thiếu niên ở Anh phải đối mặt khi đại dịch COVID – 19 bùng phát, đó là tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, vai trò cha mẹ, gia đình trong cộng đồng, tình trạng bắt nạt trực tiếp hoặc trực tuyến, bất bình đẳng xã hội, các yếu tố rủi ro và bảo vệ ở cấp độ gia đình, cộng đồng và trong chính bản thân thanh thiếu niên. Nghiên cứu cũng chỉ ra COVID – 19 đã làm tăng nhiều rủi ro mà trẻ em và thanh thiếu niên phải đối mặt không chỉ về dịch tễ học mà nghiêm trọng hơn là sức khỏe tinh thần kém, phơi nhiễm, bạo lực gia đình, nghiện ngập, v.v. Những biểu hiện tiêu cực của thanh thiếu niên về cảm xúc và hành vi gia tăng. Điểm nhấn trong nghiên cứu là việc đề ra các chiến lược ứng phó với tác động của đại dịch tới sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, như: tái cân bằng hệ thống giáo dục để sức khỏe tâm thần và hạnh phúc ngang bằng với thành tích học tập; thiết kế lại việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần với sự hợp tác của chính những người trẻ tuổi, hướng tới một dịch vụ chăm sóc liên tục bao gồm các dịch vụ kỹ thuật số và các liệu pháp thay thế (Cowie và cộng sự, 2020). Tại Trung Quốc, Zhou và cộng sự (2020) đã thực hiện nghiên cứu khảo sát trực tuyến đối với 8.079 học sinh THCS và THPT (12 – 18 tuổi) thuộc 21 tỉnh và khu tự trị. Kết quả cho thấy tỉ lệ học sinh có triệu chứng trầm cảm, hoặc lo âu, hoặc kết hợp cả hai triệu chứng lần lượt là 43.7%; 37.4% và 31.3%. Học sinh nữ phổ thông trung học có nguy cơ cao hơn học sinh nam, và càng lên lớp trên tỷ lệ học sinh trầm cảm, lo âu càng tăng. Trong khi đó, tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Lê Thị Thanh Xuân và cộng sự (2020) đã chỉ ra rằng trong tổng số 1.423 người tham gia khảo sát, có 233 người (16,4%) bị tổn thương tâm lý ở cấp độ thấp; 76 người (5,3%) ở cấp độ trung bình và 77 người (5,4%) ở cấp độ cao.

Theo kết quả nghiên cứu của Federica Cielo và cộng sự (2021), đại dịch COVID – 19 và các biện pháp phong tỏa trong đại dịch tác động tới sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên với các triệu chứng như lo âu, đau khổ về tinh thần, trầm cảm, giấc ngủ, v.v. Các yếu tố gây căng thẳng nghiêm trọng gồm học tập, học trực tuyến, kinh tế khó khăn, hạn chế giao tiếp xã hội, v.v. đã ảnh hưởng tới tâm lý của thanh thiếu niên. Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung cho các chiến lược phòng ngừa đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên trong đại dịch; đồng thời đặt ra nhu cầu cấp thiết đối với các hoạt động hỗ trợ và can thiệp tâm lý trong và sau đại dịch. Cũng trong năm 2021, nghiên cứu trên 331 thanh thiếu niên độ tuổi 12 đến 16 ở Litva của Daniunaite và cộng sự (2021) ở hai thời điểm trước đại dịch và khi đại dịch bùng phát đã chỉ ra rằng đại dịch COVID – 19 làm suy giảm chức năng tâm lý xã hội của thanh thiếu niên. Cụ thể, nghiên cứu đã đưa ra ba dạng thay đổi khác nhau về chức năng tâm lý xã hội thanh thiếu niên: tăng triệu chứng cảm xúc và vấn đề hành vi (nhóm căng thẳng); các vấn đề về bạn bè gia tăng (nhóm vấn đề về bạn bè); hoạt động xã hội gia tăng (nhóm thích ứng xã hội). Yếu tố làm thay đổi chức năng tâm lý xã hội của thanh thiếu niên là do bối cảnh đại dịch, việc đóng cửa trường học, hạn chế các hoạt động sau giờ học, hạn chế tiếp xúc xã hội với người thân và bạn bè. Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin chuyên sâu về các chiến lược phòng ngừa và can thiệp trong giai đoạn COVID và hậu COVID. Tại Việt Nam, trong đại dịch COVID-19, tỷ lệ trẻ dưới 18 mắc các triệu chứng như: trầm cảm là 48.2%, lo âu là 36.7%, mất ngủ là 48.2%. Từ 10 đến 19 tuổi có ít nhất 13% trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn sức khỏe tâm thần trong đại dịch (Hà Thị Thanh Hương và cộng sự, 2021).

Đến năm 2022, nghiên cứu của Kauhanen và cộng sự (2022) trên cơ sở thu thập bằng chứng thực nghiệm từ 21 nghiên cứu của 11 quốc gia, tiến hành đánh giá có hệ thống tập trung vào những thay đổi của các triệu chứng sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh niên trước và trong đại dịch. Kết quả nghiên cứu chỉ ra tình trạng suy giảm sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên và thanh niên với các biểu hiện trầm cảm, lo âu và căng thẳng tâm lý gia tăng sau khi đại dịch bắt đầu. So sánh dữ liệu trong đại dịch và trước đại dịch cho thấy COVID – 19 có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Nghiên cứu đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các nghiên cứu tiếp theo trong tương lai cần xác định tác động lâu dài của đại dịch đối với sức khỏe con người và chuẩn bị nền tảng tốt để đối phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cũng như ứng phó với các cuộc khủng hoảng khác. Cùng thời điểm này, tại Việt Nam cũng đã có một số kết quả nghiên cứu được công bố, chẳng hạn như nghiên cứu của Nguyễn Văn Bắc và cộng sự (2022) khi khảo sát trên 221 học sinh THPT ở Huế, kết quả cho thấy: khó khăn trong học tập, hướng nghiệp và những trải nghiệm liên quan đến cảm xúc, tình cảm là những vấn đề khó khăn tâm lý cơ bản mà học sinh đang gặp phải. Nghiên cứu của Lê Anh Vinh và cộng sự (2022) được thực hiện trên 341.830 học sinh phổ thông các cấp tại 63 tỉnh/thành về thực trạng việc học tập trực tuyến của học sinh, kết quả cho thấy sự thay đổi về điều kiện học tập, các hoạt động học tập có ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh. Cụ thể, khó khăn học tập trực tuyến và các yếu tố có liên quan đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của học sinh, gây ra những căng thẳng gia tăng trong học tập.

Nhìn chung, các nghiên cứu trong và ngoài nước trong thời gian gần đây đều tập trung đánh giá tác động đại dịch COVID – 19 tới sức khỏe tâm thần của học sinh. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu về khó khăn tâm lý của học sinh giai đoạn hậu COVID – 19, khi mà dịch COVID cơ bản được kiểm soát, trường học được mở cửa trở lại, học sinh trở lại trạng thái học tập bình thường.

2.2. Chiến lược ứng phó với khó khăn tâm lý của học sinh THPT trong bối cảnh dịch COVID-19

Tiếp nối các nghiên cứu trên thế giới về tác động của đại dịch COVID – 19 tới sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, một số nghiên cứu bước đầu tìm hiểu và đưa ra các chiến lược ứng phó với tác động tiêu cực của đại dịch.

Theo nghiên cứu của Kar và cộng sự (2020), đại dịch COVID – 19 sẽ để lại những hậu quả lâu dài về sức khỏe tâm thần của con người, đặc biệt với những người nhiễm COVID. Cần khuyến khích các cá nhân nói ra vấn đề khó khăn tâm lý của mình thay vì phải chịu đựng đau khổ, đồng thời có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần thông qua các đường dây trợ giúp sẵn có hoặc tại bệnh viện trong các trường hợp khẩn cấp. Đề xuất những nghiên cứu trong tương lai cần xem xét tính khả thi và hiệu quả của các biện pháp can thiệp trị liệu tâm lý trực tuyến khác nhau. Tư vấn tâm lý trực tuyến có thể là một phương thức cung cấp liệu pháp tiềm năng hỗ trợ người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu của Femández Cruz và cộng sự (2020) đánh giá về sự điều chỉnh cảm xúc và nhận thức của người trẻ trong giai đoạn cách ly do đại dịch COVID – 19 cho rằng: cảm xúc hướng dẫn hành vi phản ứng trước các kích thích bên ngoài như một phản ứng thích nghi của con người trong cuộc sống hàng ngày. Hành vi không phải lúc nào cũng phải được kiểm soát, nhưng trong tình huống phải thích nghi, việc tự điều chỉnh cảm xúc là cần thiết. Sự cách ly hay cô lập xã hội trong đại dịch sẽ tạo ra cảm giác tiêu cực trong cộng đồng, là căn nguyên gây lo lắng, căng thẳng và trầm cảm. Các chiến lược đối phó với nhận thức được sử dụng như: đưa ra quan điểm, chấp nhận, diễn giải lại theo hướng tích cực, tập trung vào việc lập kế hoạch, v.v. giúp điều chỉnh cảm xúc. Đến năm 2022, nghiên cứu trên 1330 sinh viên đại học ở Ba Lan của Guszkowska và cộng sự (2022) chỉ ra rằng: chấp nhận, làm điều gì đó khác, tích cực ứng phó và hoạt động thể chất là những chiến lược được sử dụng phổ biến nhất để đương đầu với căng thẳng tâm lý trong đại dịch. Việc sử dụng chất gây nghiện, hành vi từ chối và buông bỏ là thấp nhất trong hệ thống phân cấp các chiến lược đối phó. Sinh viên nữ sử dụng nhiều chiến lược ứng phó hơn sinh viên nam, đặc biệt là những chiến lược mang tính cảm xúc và hỗ trợ.

Trước đó, tại Việt Nam vào năm 2021, nghiên cứu của Đặng Nguyên Anh (2021) về ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19 tới sức khỏe tinh thần đã nhấn mạnh một số giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực của đại dịch bằng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và xây dựng cảm xúc tích cực là vấn đề quan trọng cần được ưu tiên. Việc rèn luyện sức khỏe, vận động thể lực, tập thể dục, chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì tinh thần thoải mái, thói quen suy nghĩ tích cực, chia sẻ cảm xúc, v.v. là phương thức thích ứng tốt nhất cho đại dịch. Đến ngày 31/08/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra văn bản chỉ đạo số 4252/BGDĐT-GDCTHSSV về việc “Tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông”  nhấn mạnh tầm quan trọng công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông và quán triệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, phối hợp cơ quan liên ngành để đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh từ năm 2022 trở đi.

Tóm lại, những nghiên cứu về chiến lược ứng phó với khó khăn tâm lý của học sinh phổ thông sau giai đoạn COVID trên thế giới và Việt Nam hiện nay còn ít, trong khi đó vấn đề tác động tiêu cực của COVID tới sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên được dự đoán là sẽ diễn ra trong thời gian dài. Vì vậy, nghiên cứu của chúng tôi về những khó khăn tâm lý và các chiến lược ứng phó của học sinh THPT giai đoạn hậu COVID hi vọng sẽ là một sự tiếp nối quan trọng cho những nghiên cứu trước đây.

  1. Tổ chức và phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu cắt ngang đã được thực hiện với 3 phương pháp chính gồm: nghiên cứu lý luận, điều tra bằng bảng hỏi và thống kê toán học. Điều tra bằng bảng hỏi là phương pháp chính được sử dụng. Một bảng hỏi tự thuật đã được xây dựng để học sinh THPT tự đánh giá về những khó khăn tâm lý mà các em đã trải qua và chiến lược ứng phó mà các em đã dùng. Đồng thời, mức độ hiệu quả của các chiến lược cũng được báo cáo thông qua bảng hỏi này. Ngoài phần nội dung chính, bảng hỏi bao gồm một số câu về thông tin chung của học sinh gồm: giới tính, lớp học, trường học, và học lực trong học kì II năm học 2021 – 2022. Bảng hỏi ban đầu được khảo sát thử trên 30 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 tại trường THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc nhằm xem xét mức độ dễ hiểu của các câu hỏi. Cuộc khảo sát chính thức được tiến hành vào tháng 9/2022 và kết thúc vào tháng 11/2022. Toàn bộ dữ liệu được nhập và làm sạch trên Excel, sau đó được phân tích bởi phần mềm thống kê SPSS. Các phân tích được thực hiện bao gồm: phân tích nhân tố khám khá EFA, tính điểm trung bình và tỉ lệ phần trăm; đồng thời, thực hiện kiểm định so sánh sự khác biệt dùng One-way ANOVA và kiểm tra tương quan tuyến tính Pearson.

3.1. Khách thể nghiên cứu

Có tất cả 590 học sinh THPT từ thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia vào nghiên cứu này. Trong đó, có 238 học sinh thuộc hai trường THPT Chu Văn An và THPT Hoàng Cầu ở Hà Nội; và 352 học sinh ở tỉnh Vĩnh Phúc từ ba trường THPT Ngô Gia Tự, THPT Vĩnh Yên, THPT Bình Xuyên. Về giới tính, có 34.2% tổng số khách thể là học sinh nam và 63.7% là học sinh nữ; ngoài ra, có 2.0% học sinh chọn giới tính khác. Thông tin chi tiết về đặc điểm khách thể được trình bày trong bảng dưới đây:

Bảng 1: Đặc điểm khách thể nghiên cứu

Số lượng Tỉ lệ phần trăm
Giới tính Nam 202 34,2
Nữ 376 63,7
Khác 12 2,0
Lớp 10 201 34,1
11 194 32,9
12 195 33,1
Trường THPT Bình Xuyên 109 18,5
THPT Ngô Gia Tự 122 20,7
THPT Vĩnh Yên 121 20,5
THPT Hoàng Cầu 126 21,4
THPT Chu Văn An 111 18,8
Tỉnh/Thành phố Vĩnh Phúc 352 59,7
Hà Nội 238 40,3
Học lực Yếu 0 0
Trung bình 21 3,6
Khá 221 37,6
Giỏi 276 46,9
Xuất sắc 70 11,9

3.2. Công cụ nghiên cứu

Thang đo khó khăn tâm lý của học sinh THPT. Thang đo này được xây dựng dựa trên việc tham khảo nội dung của 3 thang đo đã được sử dụng trong các nghiên cứu đây và có điểm chuẩn trên nhóm học sinh Việt Nam, bao gồm: Bảng liệt kê hành vi trẻ em 6 – 18 tuổi, phiên bản tự báo cáo (Youth Self Report); Bảng hỏi điểm mạnh và khó khăn SDQ, phiên bản tự báo cáo từ 11 – 16 tuổi và Bảng hỏi khó khăn tâm lý của học sinh được xây dựng bởi nhóm tác giả Trần Văn Công và Nguyễn Thị Hoài Phương năm 2017. Thang đo ban đầu có 43 câu với 5 phương án lựa chọn từ “Hoàn toàn không đúng” cho đến “Hoàn toàn đúng”. Sau khi tiến hành khảo sát trên 590 học sinh THPT là khách thể nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành phân tích nhân tố khám phá. Kết quả phân tích 43 item được 4 nhân tố, trong đó có 8 câu đã bị loại do hệ số tải < 0.3 và không thuộc bất kì nhân tố nào. Bốn nhân tố được xác định với các tên gọi như sau: Nhân tố 1 – Tự đánh giá thấp bản thân gồm 15 câu có hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha α = 0.88; Nhân tố 2 – Mối quan hệ tiêu cực với cha mẹ gồm 9 câu, Cronbach’s Alpha α = 0,84; Nhân tố 3 – Thiếu định hướng nghề nghiệp gồm 5 câu, Cronbach’s Alpha α = 0.79; và Nhân tố 4 – Mối quan hệ tiêu cực với thầy cô và bạn bè có 6 câu, Cronbach’s Alpha α = 0.76. Toàn bộ thang đo cuối cùng có 35 câu và Cronbach’s Alpha α = 0.92.

Thang đo các chiến lược ứng phó với khó khăn tâm lý của học sinh THPT. Nghiên cứu đã đã tham khảo hai thang đo được xây dựng trước đó gồm: Bảng hỏi tìm hiểu nhận thức của học sinh đối với các hoạt động trợ giúp tâm lý và nhu cầu được trợ giúp tâm lý học đường của học sinh trong nghiên cứu của tác giả Đào Lan Hương (2009) và Bảng hỏi về ứng phó với vấn đề khó khăn tâm lý của học sinh THPT trong nghiên cứu của tác giả Nhan Thị Lạc An (2010). Ngoài ra, chúng tôi cũng tham khảo ý kiến của các cán bộ tham vấn học đường thuộc trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS Nam Từ Liêm và một số công cụ đo lường mà các phòng tham vấn đang sử dụng. Thang đo cuối cùng bao gồm 13 câu với 4 lựa chọn để đánh giá tần suất sử dụng từ “Không bao giờ” đến “Rất thường xuyên” và 4 lựa chọn tương đương nhằm đánh giá mức độ hiệu quả những cách ứng phó này từ “Không hiệu quả” cho đến “Rất hiệu quả”.

  1. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thực trạng khó khăn tâm lý của học sinh THPT sau giai đoạn COVID-19 tại Hà Nội và Vĩnh Phúc

Các khó khăn tâm lý của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc hiện tại được xác định trong nghiên cứu này là: tự đánh giá thấp bản thân, mối quan hệ tiêu cực với cha mẹ, thiếu định hướng nghề nghiệp, và mối quan hệ tiêu cực với thầy cô và bạn bè. Kết quả tính điểm trung bình 4 nhóm này được trình bày trong Biểu đồ 1 dưới đây, điểm trung bình càng cao càng thể hiện sự tiêu cực càng cao.

 

Biểu đồ 1: Điểm trung bình bốn nhóm khó khăn tâm lý của học sinh THPT

Dữ liệu phân tích cho thấy, “Tự đánh giá thấp bản thân” là nhân tố có điểm trung bình cao nhất với M = 3.04 và SD = 0.68. Tự đánh giá thấp bản thân liên quan đến sự nhạy cảm, hay suy nghĩ dù chỉ là một câu nói khó nghe từ người khác, thường so sánh bản thân với những người xung quanh rồi cảm thấy mình kém cỏi hơn họ, và không tự tin về hình ảnh bản thân hoặc luôn lo sợ rằng người khác đánh giá không tốt về mình. Khi tính điểm trung bình từng câu trong nhân tố này, hai item có điểm trung bình cao nhất là “lo lắng, áp lực về điểm số, thi cử” với M = 3.69, SD = 1.17 “luôn lo sợ người khác hiểu lầm hoặc đánh giá không tốt về mình” với M = 3.49, SD = 1.14. Trong khi đó, hai item có điểm trung bình thấp nhất lần lượt là “bị bạn bè chê bai về ngoại hình” (M = 2.34, SD = 0.97) và “khó hoà đồng với bạn bè” (M = 2.30, SD = 1.06). Tiến hành so sánh sự khác biệt theo giới tính, kết quả chỉ ra rằng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ tự đánh giá thấp bản thân của học sinh THPT theo giới tính (p<0.01), cụ thể: học sinh nữ (M = 3.18, SD = 0.63) tự đánh giá bản thân thấp hơn có ý nghĩa so với học sinh nam (M = 2.76, SD= 0.67); và học sinh có giới tính khác (M = 3.24, SD = 0.88) cũng tự đánh giá bản thân thấp hơn có ý nghĩa so với học sinh nam (p<0.05) nhưng không có sự khác biệt so với học sinh nữ (p>0.05). Ngoài ra, không có sự khác biệt về mức độ tự đánh giá thấp bản thân giữa những học sinh sống ở tỉnh/thành phố khác nhau hay thuộc các khối lớp khác nhau (p>0.05). Kết quả kiểm định tương quan giữa nhân tố này và học lực của học sinh cũng không cho thấy mối liên hệ có ý nghĩa (p>0.05).

Nhóm khó khăn tâm lý đứng thứ hai theo báo cáo của học sinh là “Thiếu định hướng nghề nghiệp” với điểm trung bình M = 2.92 SD = 0.67. Trong đó, việc thiếu thông tin về ngành nghề và chưa được định hướng, tư vấn chọn trường là hai nội dung mà học sinh đánh giá là gây ra nhiều khó khăn nhất, với điểm trung bình lần lượt là M = 3.04 (SD = 1.04) M = 2.96 (SD = 1.11). Ngoài ra, một vấn đề khác cũng có điểm trung bình khá cao là “mơ hồ về mục tiêu và lý tưởng sống” (M = 2.96, SD = 1.11). Nhóm các khó khăn liên quan đến định hướng nghề cũng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê theo giới tính (p<0.05), cụ thể như sau: học sinh nữ (M = 2.99, SD = 0.81) gặp nhiều khó khăn hơn trong định hướng nghề nghiệp so với học sinh nam (M = 2.80, SD = 0.79). Tuy nhiên không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa học sinh nam với học sinh giới tính khác và giữa học sinh nữ với học sinh giới tính khác (p>0.05). Tương tự với việc tự đánh giá thấp bản thân, không có sự khác biệt có ý nghĩa nào được tìm thấy ở giữa những học sinh sống tại tỉnh/thành phố khác nhau hay học khối lớp khác nhau (p>0.05). Kết quả kiểm định tương quan giữa nhân tố này và học lực của học sinh cũng không cho thấy mối liên hệ có ý nghĩa (p>0.05).

Mối quan hệ tiêu cực với thầy cô, bạn bè và mối quan hệ tiêu cực với cha mẹ là hai nhóm vấn đề mà học sinh đánh giá ít tiêu cực hơn với điểm trung bình lần lượt là M = 2.22 (SD = 0.68) và M = 2.15 (SD = 0.81). Trong mối quan hệ tiêu cực với thầy cô và bạn bè thì mối quan hệ với thầy cô được cho là có nhiều điểm tiêu cực hơn. Các câu liên quan đến mối quan hệ với thầy cô đều có điểm trung bình cao hơn so với nhóm bạn bè. Xếp hạng từ cao xuống thấp như sau: “Thầy cô đề ra yêu cầu quá cao với học sinh” có M = 2.85, SD = 0.94; sau đó là “Thầy cô hay dùng kỉ luật và trách mắng học sinh” (M = 2.48, SD = 1.07), “Thầy cô chưa gần gũi, quan tâm, thấu hiểu học sinh và chưa hỗ trợ kịp thời khi học sinh gặp khó khăn” (M = 2.16, SD = 0.92). Trong khi đó, hai câu liên quan đến mối quan hệ với bạn bè xếp ở hai vị trí cuối cùng, đó là “Bị lợi dụng trong quan hệ bạn bè” (M = 2.06, SD = 1.01) và “Cảm thấy không an toàn vì bị bạo lực từ bạn bè” (M = 1.66, SD = 0.91). Khi so sánh sự khác biệt về mức độ tiêu cực trong mối quan hệ với thầy cô và bạn bè theo một số đặc điểm của học sinh, kết quả cho thấy: Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê theo giới tính, nơi sinh sống; đồng thời cũng không có tương quan với học lực (p> 0.05). Tuy nhiên, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa những học sinh thuộc các khối lớp khác nhau: học sinh lớp 11 có mối quan hệ tiêu cực với thầy cô và bạn bè nhiều hơn học sinh lớp 10 với điểm trung bình lần lượt là MKL10 = 2.12 (SD = 0.61) MKL11 = 2.33 (M = 0.67), p < 0.05; không có sự khác biệt giữa học sinh lớp 12 với hai khối lớp còn lại.

Nhìn chung, trong các câu mô tả mối quan hệ tiêu cực với cha mẹ, phần lớn học sinh lựa chọn từ mức “Hoàn toàn không đúng” cho đến “Đúng một chút”, chiếm tổng trên 50% ở tất cả câu. Dù vậy thì cũng có một số nội dung học sinh cho điểm khá cao, chẳng hạn như: “Cha mẹ kỳ vọng cao, áp lực về học tập, thi cử” (M = 2.81, SD = 1.10), có 24.3% tổng số khách thể chọn mức “Đúng” và “Hoàn toàn đúng”; hoặc vấn đề “Khó nói chuyện, chia sẻ được với cha mẹ” (M = 2.75, SD = 1.21) có 26.3% chọn mức “Đúng” và “Hoàn toàn đúng”. Các câu có điểm trung bình thấp nhất trong nhóm mối quan hệ tiêu cực với cha mẹ là “Cha mẹ đối xử thiếu công bằng với mình/giữa mình và các anh chị em khác”, “Cha mẹ/người thân xa cách, thờ ơ, không quan tâm” và “Bị cha mẹ đánh, chửi/cha mẹ bạo lực” với điểm trung bình lần lượt là M = 1.89 (SD = 1.02), M = 1.70 (SD = 0.91) M = 1.61 (SD = 0.93). Tuy nhiên, cũng đáng lưu ý rằng, mặc dù việc bị cha mẹ bạo lực có điểm trung bình thấp nhất nhưng có 10.7% tổng số khách thể (tương đương với 63 học sinh) báo cáo ở mức “Đúng một chút”, 2.6% (15 học sinh) báo cáo ở mức “Đúng” và 2.2% (13 học sinh) đã chọn mức “Hoàn toàn đúng”. Tương tự với các nhóm ở trên, chúng tôi cũng đã tiến hành kiểm định tương quan và so sánh sự khác biệt về mối quan hệ tiêu cực với cha mẹ giữa những học sinh có các đặc điểm khác nhau. Tuy vậy, không có bất kì sự khác biệt nào hay mối liên hệ có ý nghĩa được tìm thấy, tất cả đều có p > 0.05.

4.2. Thực trạng chiến lược ứng phó với khó khăn tâm lý của học sinh THPT sau giai đoạn COVID-19 tại Hà Nội và Vĩnh Phúc

Các chiến lược ứng phó được xác định trong nghiên cứu này bao gồm những hoạt động tự ứng phó, chia sẻ với những người xung quanh và phớt lờ nó hoặc chuyển sang một hoạt động khác để làm sao nhãng. Kết quả tính điểm trung bình cho thấy “Dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục thể thao” và “Chia sẻ trực tiếp với bạn bè trong môi trường gần nhất (bạn cùng lớp, hàng xóm, v.v.)” là hai cách thức mà học sinh sử dụng nhiều nhất để đương đầu với các khó khăn tâm lý mà các em gặp phải, điểm trung bình lần lượt của hai chiến lược này là M = 2.48 (SD = 0.81) và M = 2.38 (SD = 0.78). Ngoài ra, một cách ứng phó khá tiêu cực cũng được các em lựa chọn nhiều là âm thầm chịu đựng, không chia sẻ với bất kì ai (M = 2.24, SD = 0.94). Trong khi đó, các cách ứng phó được ít học sinh áp dụng nhất là “Sử dụng chất kích thích (bia, rượu, thuốc lá…)” (M = 1.14, SD = 0.47) và “Tìm gặp cán bộ tâm lý để nhận trợ giúp/ Đến phòng tâm lý học đường của trường (nếu có)” (M = 1.09, SD = 0.34). Dữ liệu chi tiết về tỉ lệ phần trăm được trình bày trong Bảng 2.

Kiểm định so sánh sự khác biệt trong tần suất lựa chọn cách thức ứng phó chỉ ra một số kết quả đáng chú ý như sau:

  • Theo giới tính, học sinh nam có xu hướng lựa chọn cách ứng phó tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài (như nhờ thầy cô giúp đỡ, tư vấn)và chuyển sang những hoạt động khác (như đi chơi với bạn bè, chơi game hoặc xem phim hay đọc truyện và dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục thể thao) nhiều hơn có ý nghĩa thống kê so với học sinh nữ; trong khi đó, điểm trung bình ở các cách ứng phó tự thân (như viết nhật kí và bỏ mặc vấn đề, không biết giải quyết như thế nào) của học sinh nữ lại cao hơn có ý nghĩa thống kê so với học sinh nam, p < 0.05.
  • Theo khối lớp, học sinh khối lớp 12 chọn cách âm thầm chịu đựng, không chia sẻ với ai nhiều hơn có ý nghĩa so với học sinh lớp 10 và lớp 11 với điểm trung bình lần lượt là M12 = 2.39, M11=2.15 và M10 = 2.19. Đồng thời, học sinh lớp 12 (M = 1.25) cũng chọn cách ứng phó là sử dụng chất kích thích nhiều hơn có ý nghĩa so với học sinh lớp 10 (M = 1.05) và lớp 11 (M = 1.12)

Bảng 2: Điểm trung bình và tỉ lệ phần trăm lựa chọn các chiến lược ứng phó với khó khăn tâm lý của học sinh THPT

  Không bao giờ Thỉnh thoảng Thường xuyên Rất thường xuyên M SD
1. Dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục thể thao 42

7.1%

288

49.0%

183

31.1%

73

12.4%

2.48 0.81
2. Chia sẻ trực tiếp với bạn bè trong môi trường gần nhất (bạn cùng lớp, hàng xóm, v.v.) 51

8.7%

318

54.1%

163

27.7%

56

9.5%

2.38 0.78
3. Âm thầm chịu đựng, không chia sẻ với ai 128

21.8%

236

44.9%

117

20.0%

76

13.0%

2.24 0.94
4. Bỏ đi chơi với bạn bè, chơi game hoặc xem phim hay đọc truyện 137

23.3%

245

41.7%

160

27.2%

46

7.8%

2.20 0.88
5. Tham gia các hoạt động tập thể 108

18.4%

300

51.1%

137

23.3%

42

7.2%

2.19 0.81
6. Tâm sự và hỏi ý kiến của bố mẹ, người thân 135

23.0%

301

51.3%

119

20.3%

32

5.5%

2.08 0.80
7. Bỏ mặc vấn đề vì không biết giải quyết như thế nào 188

32.2%

301

51.5%

72

12.3%

23

3.9%

1.88 0.77
8. Chia sẻ với bạn bè bốn phương qua mạng xã hội (Facebook, Zalo v.v.) 289

49.2%

181

30.8%

79

13.5%

38

6.5%

1.77 0.91
9. Viết nhật ký 400

68.5%

122

20.9%

36

6.2%

26

4.5%

1.47 0.80
10. Nhờ thầy cô giúp đỡ, tư vấn 355

60.6%

219

37.4%

9

1.5%

3

0.5%

1.42 0.55
11. Tìm dịch vụ tư vấn qua điện thoại, thư điện tử, tư vấn trực tuyến 487

82.7%

86

14.6%

13

2.2%

3

0.5%

1.21 0.49
12. Sử dụng chất kích thích (bia, rượu, thuốc lá…) 531

90.2%

42

7.1%

9

1.5%

7

1.2%

1.14 0.47
13. Tìm gặp cán bộ tâm lý để nhận trợ giúp/ Đến phòng tâm lý học đường của trường (nếu có) 543

92.3%

39

6.6%

4

0.7%

2

0.3%

1.09 0.34

 

Tương tự với kết quả tần suất lựa chọn cách ứng phó, “Dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục thể thao” là phương án được học sinh cho là hiệu quả nhiều nhất trong danh sách được đưa ra với điểm trung bình M = 2.96, SD = 0.79. Tuy nhiên, việc chia sẻ với bạn bè lại không phải là một trong năm chiến lược ứng phó hiệu quả nhất theo đánh giá của học sinh. Các chiến lược ứng phó mà học sinh cho là mang lại nhiều hiệu quả bao gồm: “Tâm sự và hỏi ý kiến của bố mẹ, người thân” (M = 2.70, SD = 0.75), “Nhờ thầy cô giúp đỡ, tư vấn” (M = 2.67, SD = 0.68), “Bỏ đi chơi với bạn bè, chơi game hoặc xem phim hay đọc truyện” (M = 2.66, SD = 0.85), “Viết nhật ký” (M = 2.65, SD = 0.91) và “Tham gia các hoạt động tập thể” (M = 2.61, SD = 0.80). Trong khi đó, mặc dù việc âm thầm chịu đựng không chia sẻ với ai được khá nhiều học sinh áp dụng nhưng lại là một trong hai chiến lược mà học sinh cho là ít mang lại hiệu quả nhất, cùng với đó là việc bỏ mặc vấn đề. Điểm trung bình lần lượt của hai cách ứng phó này là M = 2.11 (SD = 1.25) và M = 1.59 (SD =0.75).

Nghiên cứu tiếp tục so sánh sự khác biệt trong đánh giá mức độ hiệu quả của các chiến lược giữa những học sinh có đặc điểm khác nhau, kết quả chỉ ra rằng: học sinh nam và học sinh nữ cho rằng việc “chia sẻ với bạn bè trong môi trường gần nhất”, “tâm sự và hỏi ý kiến của bố mẹ, người thân” “nhờ thầy cô giúp đỡ, tư vấn” mang lại nhiều hiệu quả hơn có ý nghĩa so với học sinh giới tính khác đánh giá (p < 0.05). Ngoài ra, học sinh nam và học sinh giới tính khác cho rằng âm thầm chịu đựng, không chia sẻ với ai hiệu quả hơn có ý nghĩa so với học sinh nữ (p < 0.05). Một kết quả đáng lưu ý khác là so với học sinh lớp 10 và 11, học sinh lớp 12 có xu hướng sử dụng cách ứng phó là dùng chất kích thích nhiều hơn nhưng khi đánh giá về mức độ hiệu quả thì học sinh lớp 11 lại cho rằng sử dụng chất kích thích hiệu quả nhiều hơn so với mức mà học sinh lớp 12 đánh giá, với điểm trung bình lần lượt là M11 = 2.76 và M12 = 2.23, p < 0.05.

  1. Thảo luận và kết luận

Mục tiêu chính của nghiên cứu này là làm rõ thực trạng khó khăn tâm lý và các chiến lược ứng phó của học sinh THPT giai đoạn hậu COVID – 19 ở thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời, dựa trên kết quả nghiên cứu lý luận để xác định đặc điểm khó khăn tâm lý của học sinh giai đoạn trong COVID-19. Các phát hiện cho thấy rằng, ở giai đoạn hậu COVID – 19, hai khó khăn tâm lý mà nhiều học sinh gặp phải nhất là tự đánh giá thấp bản thân và thiếu định hướng nghề nghiệp. Ở cả hai vấn đề này, học sinh nữ đều trải nghiệm mức độ tiêu cực cao hơn có ý nghĩa so với học sinh nam; ngoài ra, tương tự với nhóm học sinh nữ, học sinh giới tính khác cũng đánh giá giá trị bản thân thấp hơn đáng kể so với học sinh nam. Trong khi đó, mối quan hệ tiêu cực với thầy cô, bạn bè và cha mẹ là những vấn đề mà học sinh xác định là ít trải nghiệm hơn. Dù vậy, các phân tích chi tiết đã cho thấy rằng đây là những nội dung đáng quan tâm, điểm trung bình trong mối quan hệ tiêu cực với thầy cô khá cao và thường liên quan đến việc thầy cô đặt yêu cầu quá cao cho học sinh; đồng thời, áp dụng quá nhiều hình thức kỉ luật và thiếu sự gần gũi, thấu hiểu với các em. Trường học thường được cho là nơi phát hiện sớm nhất các rối loạn tâm thần hoặc khó khăn tâm lý của học sinh; đồng thời, cũng là nơi các chương trình phòng ngừa khó khăn tâm lý và nâng cao sự hạnh phúc, khoẻ mạnh về tinh thần được nghiên cứu và áp dụng nhiều nhất trong việc hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cho học sinh nói chung. Do những đặc thù duy nhất như là một xã hội thu nhỏ, trường học có nhiều nguồn lực và yếu tố thuận lợi để giúp các em phát triển tối đa các tiềm năng của bản thân để sẵn sàng đương đầu với những khó khăn sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, nếu như mối quan hệ với thầy cô – một trong hai mối quan hệ chính tại trường học không được kết nối một cách tích cực, nó sẽ mất đi cơ hội trở thành yếu tố bảo vệ các em khỏi các dạng rối loạn tâm thần hay khó khăn tâm lý khác nhau.

Đối với các chiến lược ứng phó, dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục thể thao và chia sẻ trực tiếp với bạn bè là hai cách thức mà học sinh sử dụng nhiều nhất để đương đầu với các khó khăn tâm lý. Một cách ứng phó khá tiêu cực cũng được các em lựa chọn nhiều là âm thầm chịu đựng, không chia sẻ với bất kì ai. Học sinh nam có xu hướng lựa chọn cách ứng phó tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài (như nhờ thầy cô giúp đỡ, tư vấn) và chuyển sang những hoạt động khác (như đi chơi với bạn bè, chơi game hoặc xem phim hay đọc truyện và dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục thể thao) nhiều hơn có ý nghĩa thống kê so với học sinh nữ; trong khi đó, điểm trung bình ở các cách ứng phó tự thân (như viết nhật kí và bỏ mặc vấn đề, không biết giải quyết như thế nào) của học sinh nữ lại cao hơn có ý nghĩa thống kê so với học sinh nam. Ngoài ra, dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục thể thao là phương án được học sinh cho là hiệu quả nhiều nhất trong danh sách được đưa ra. Bên cạnh đó, các chiến lược ứng phó mà học sinh cho rằng cũng mang lại nhiều hiệu quả là tâm sự hỏi ý kiến cha mẹ, người thân và nhờ thầy cô tư vấn.

Kết quả của các nghiên cứu trên thế giới và trong nước giai đoạn diễn ra đại dịch COVID – 19 đã chỉ ra ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19 làm suy giảm sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên với các biểu hiện trầm cảm, căng thẳng và lo âu gia tăng. Người trẻ tuổi thường xuyên trải qua lo lắng, suy sụp tinh thần, trầm cảm, căng thẳng và mức độ cao hơn là rối loạn ám ảnh cưỡng chế, lo âu ám ảnh và hoang tưởng (Federica Cielo và cộng sự, 2021). Bối cảnh đại dịch, các biện pháp phong tỏa trong đại dịch, việc đóng cửa trường học, hạn chế các hoạt động sau giờ học, hạn chế tiếp xúc xã hội với người thân và bạn bè đã làm suy giảm chức năng tâm lý xã hội của thanh thiếu niên (Daniunaite và cộng sự, 2021), gia tăng các biểu hiện tiêu cực về cảm xúc và hành vi (Cowie và cộng sự, 2020). Khó khăn về học tập, hướng nghiệp và những trải nghiệm liên quan đến cảm xúc, tình cảm là những vấn đề khó khăn tâm lý cơ bản đối với thanh thiếu niên trong giai đoạn COVID – 19 (Nguyễn Văn Bắc và cộng sự, 2022) . Nghiên cứu của chúng tôi diễn ra trong bối cảnh dịch COVID cơ bản được kiểm soát, trường học được mở cửa trở lại, học sinh đã trở lại trường học bình thường nhưng không thể phủ nhận những ảnh hưởng lâu dài do đại dịch COVID – 19 gây ra. Vấn đề khó khăn tâm lý lớn nhất mà học sinh gặp phải trong giai đoạn hậu COVID là nhiều học sinh đang tự đánh giá thấp bản thân. Đây có thể là hệ quả của một thời gian dài bị cách ly xã hội, hạn chế giao tiếp, làm việc nhiều với thiết bị công nghệ; điều này có lẽ dẫn đến việc học sinh không có nhiều cơ hội trải nghiệm các hoạt động tích cực từ sự tương tác trực tiếp với mọi người xung quanh. Các vấn đề khó khăn tâm lý khác của học sinh trong nghiên cứu của chúng tôi như thiếu định hướng nghề nghiệp, mối quan hệ tiêu cực với thầy cô, bạn bè và cha mẹ cũng là những vấn đề khó khăn tâm lý của học sinh được các nghiên cứu đề cập tới trong giai đoạn trước và trong đại dịch COVID – 19.

Để ứng phó với khó khăn tâm lý của thanh thiếu niên trong đại dịch, các nghiên cứu trước đó đã đưa ra các chiến lược như: chia sẻ vấn đề khó khăn của mình, tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý (Kar và cộng sự, 2020), điều chỉnh nhận thức và cảm xúc (Femández Cruz và cộng sự, 2020), tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất, giữ thái độ và tinh thần lạc quan (Đặng Nguyên Anh, 2021). Guszkowska và cộng sự (2022) chỉ ra rằng: chấp nhận, làm điều gì đó khác, tích cực ứng phó và hoạt động thể chất là những chiến lược được sử dụng phổ biến nhất để đương đầu với căng thẳng tâm lý trong đại dịch. Điều thú vị là nhiều nghiên cứu đề xuất hình thức tư vấn kĩ thuật số, tư vấn tâm lý trực tuyến là một giải pháp hữu ích hỗ trợ tâm lý cho thanh thiếu niên giai đoạn đại dịch (Kar và cộng sự, 2020). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi trong giai đoạn hậu COVID về chiến lược ứng phó với khó khăn tâm lý của học sinh THPT có một số điểm tương đồng như dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục thể thao và chia sẻ trực tiếp với bạn bè là hai cách thức mà học sinh sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, điểm khác biệt là cách ứng phó tìm kiếm sự hỗ trợ từ thầy cô, chuyên viên tâm lý trường học hay các dịch vụ tư vấn tâm lý chưa được nhiều học sinh lựa chọn. Vẫn còn khá nhiều học sinh âm thầm chịu đựng không chia sẻ với ai hoặc tự giải quyết vấn đề theo cách của mình, thậm chí bỏ mặc vấn đề. Đây là một thách thức đặt ra đối với công tác hỗ trợ tâm lý trường học trong giai đoạn hiện nay.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về thực trạng khó khăn tâm lý và các chiến lược ứng phó của học sinh THPT ở thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi hi vọng có thể đóng góp vào cơ sở lý luận và thực tiễn về sức khỏe tâm thần của học sinh phổ thông, giúp các nhà quản lý giáo dục hoạch định kế hoạch giáo dục phù hợp trong bối cảnh mới. Đồng thời, với nghiên cứu này, chúng tôi mong muốn mở ra nhiều nghiên cứu tiếp theo về đa dạng các mô hình, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong tương lai.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Đặng Nguyên Anh (2021), Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến sức khoẻ tinh thần, Tạp chí Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh, số 10 (278).
  2. Nguyễn Văn Bắc, Nguyễn Bá Phu, Lê Văn Khuyến, Đoàn Văn Hoá (2022), Thực trạng hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh ở các trường trung học phổ thông huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 131, số 6A, tr.19-29. DOI: 10.26459/hueunijssh.v131i6A.6612
  3. Báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội (2022), “Cần có sự đánh giá toàn diện tác động của dịch Covid – 19 tới hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp học”.
  4. Cielo, F., Ulberg, R., & Di Giacomo, D. (2021). Psychological impact of the COVID-19 outbreaks on mental health outcomes among youth: A rapid narrative review. International Journal of Environmental Research and Public Health18(11), 6067.
  5. Trần Văn Công, Nguyễn Thị Hoài Phương, Trần Thành Nam (2019), “Thực trạng khó khăn tâm lý của học sinh và nhu cầu sử dụng ứng dụng tư vấn tâm lý trong trường học”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam 61 (10),1.
  6. Công văn số 4252/BGDĐT-GDCTHSSV của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2022), “Tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông”.
  7. Cowie, H., & Myers, C. A. (2021). The impact of the COVID‐19 pandemic on the mental health and well‐being of children and young people. Children & Society35(1), 62-74.
  8. Daniunaite, I., Truskauskaite-Kuneviciene, I., Thoresen, S., Zelviene, P., & Kazlauskas, E. (2021). Adolescents amid the COVID-19 pandemic: a prospective study of psychological functioning. Child and adolescent psychiatry and mental health15, 1-10.
  9. Fernández Cruz, M., Álvarez Rodríguez, J., Ávalos Ruiz, I., Cuevas López, M., de Barros Camargo, C., Díaz Rosas, F., … & Lizarte Simón, E. J. (2020). Evaluation of the emotional and cognitive regulation of young people in a lockdown situation due to the Covid-19 pandemic. Frontiers in Psychology11, 565503.
  10. Guszkowska, M., & Dąbrowska-Zimakowska, A. (2022). Coping with stress during the second wave of the COVID-19 pandemic by Polish university students: Strategies, structure, and relation to psychological well-being. Psychology Research and Behavior Management, 339-352.
  11. Hà Thị Thanh Hương, Nguyễn Thanh Trúc Quỳnh, Lê Hoàng Khang, Đ. T. N. H. (2021).
    Chăm sóc sức khỏe tinh thần trẻ em và thanh thiếu niên Việt Namtrong đại dịch
    COVID- 19 – Chuyên trang Covid-19 ĐHQG-HCM. Đại Học Quốc Gia Hồ Chí Minh.
    https://covid19.vnuhcm.edu.vn/cham-soc-suc-khoe-tinh-than-tre-em-va-thanh-thieunien-viet-nam-trong-dai-dich-covid-19/
  12. Kar, S. K., Yasir Arafat, S. M., Kabir, R., Sharma, P., & Saxena, S. K. (2020). Coping with mental health challenges during COVID-19. Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) Epidemiology, Pathogenesis, Diagnosis, and Therapeutics, 199-213.
  13. Kauhanen, L., Wan Mohd Yunus, W. M. A., Lempinen, L., Peltonen, K., Gyllenberg, D., Mishina, K., … & Sourander, A. (2022). A systematic review of the mental health changes of children and young people before and during the COVID-19 pandemic. European child & adolescent psychiatry, 1-19.
  14. Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (2021), “Sổ tay chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em khi học tập online”, tr.2.
  15. Lê Anh Vinh, Đặng Thị Thu Huệ, Bùi Thị Diển, Vương Quốc Anh, Phùng Thu Trang, Đỗ Đức Lân (2022), Thực trạng học tập trực tuyến của học sinh phổ thông Việt Nam trong bối cảnh COVID-19, Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, tập 18, số 3.
  16. Le Thi Thanh Xuan, Dang Kim Anh, Jayson Toweh, Nguyen Nhat Quang, Le Thi Huong, Phan Thi Bich Hanh, Nguyen Thanh Thao, Pham Thi Quan, Ta Thi Lim Nhung, Nguyen Thi Quynh, Nguyen Ngoc Anh, Duong Van Quan, Hang Thi Men, Pham Quang Hai, Vu Gia Linh, Tran Xuan Bach, Carl A. Latkim. Cyrus S. Ho, and Roger C. Ho. 2020. “Evaluating the Psychological Impacts Related to COVID-19 of Vietnamese People under the First Nationwide Partial Lockdown in Vietnam”. Psychiatry, 11:824. doi:10.3389/fpsyt.2020.00824.
  17. Zhou S.J., Zhang, L.G., Wang, L.L., Guo, Z.C., Wang, J.Q., Chen, J.C. and Chen, J.X. 2020. “Prevalence and Socio-Demographic Correlates of Psychological Health Problems in Chinese Adolescents During the Outbreak of COVID-19”. European Child & Adolescent Psychiatry, 29: 749-758. doi: 10.1007/s00787-020-01541-4.

Nghiên cứu được đăng tải trong kỷ yếu Hội nghị quốc tế về trường học hạnh phúc lần thứ nhất (04/2023)

Vui lòng tham khảo đầy đủ nghiên cứu trong link dưới đây:

https://drive.google.com/file/d/1drdNPj7GD-uSORjHTRCAzESCyF13D3su/view?usp=sharing