Tuổi cắp sách tới trường là tuổi có nhiều mơ mộng, hoài bão, được cho là quãng tuổi trẻ đẹp nhất của đời người. Nhưng cũng chính giai đoạn này, các bạn trẻ thường có tâm lí bất ổn, có nhiều suy tư, ý nghĩ và hành động tiêu cực xuất phát từ các tác động chủ quan lẫn khách quan.
Những biểu hiện của người đang gặp vấn đề về trầm cảm
Thường xuyên cảm thấy cáu giận:
Khi cảm thấy chán nản, các bạn thường có xu hướng trở nên nóng tính và thể hiện sự tức giận bằng cách la hét, đập cửa hay những điều tương tự. Mọi thứ thường không được kiểm soát.
Cảm thấy bản thân vô dụng hay không có giá trị và buồn không lý do
Người có dấu hiệu trầm cảm thường thấy cuộc sống của mình vô vị, chẳng có giá trị nào, thường nói mình cảm thấy mình vô dụng. Đây là dấu hiệu cho thấy các bạn đang hướng tới thế giới đen tối của trầm cảm và cực kỳ nguy hiểm.
Thêm đó thường có biểu hiện buồn, ảm đạm, trầm lắng mà không có lý do chính đáng.
Thói quen ngủ thay đổi và trở nên thèm ăn
Một dấu hiệu quan trọng của bệnh trầm cảm ở tuổi học đường là sự thay đổi mạnh mẽ trong kiểu ngủ và thói quen ngủ. Đôi khi các bạn ngủ quá nhiều hoặc quá ít.
Một số thanh thiếu niên tự đối phó với trầm cảm và căng thẳng bằng cách ăn uống quá mức. Khi gặp stress quá nhiều người ta thường có xu hướng giải tỏa bằng việc ăn uống không kiểm soát.
Luôn cảm thấy mệt mỏi:
Tiếng chuông cảnh báo về sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn là bản thân cảm thấy lúc nào cũng mệt mỏi, ủ rũ. Cần chia sẻ hoặc đi khám để có những phát hiện sớm.
Có thái độ thù địch đối với cha mẹ và xã hội:
Thù địch quá mức hay nổi loạn có thể là một chiến lược đối phó với sự chán nản của các bạn ở lứa tuổi học đường.
Thích ở một mình:
Người có dấu hiện trầm cảm thường thích ở một mình, không muốn giao tiếp với mọi người xung quanh. Đây là dấu hiệu dễ thấy nhất của người đang gặp nhiều áp lực, căng thẳng.
Bị ám ảnh bởi việc tự tử hay cái chết:
Không nên xem nhẹ các câu chuyện của các bạn học sinh khi thường trò chuyện về cái chết, tự tử,.. Trạng thái này cực kỳ nguy hiểm và khó có thể lường trước nếu chúng ta không theo dõi, để ý đến người bệnh.
Cần tìm hiểu, để ý và dẫn các bạn đến phòng khám tâm lý nếu có quá nhiều dấu hiệu trên và thường xuyên nhắc về những vấn đề bi quan để tránh các hệ lụy đáng tiếc.
Theo dõi thêm các bài viết của TAMLYVINHPHUC để biết được những dấu hiệu và giải pháp của các căn bệnh tâm lí.
Tác giả: Lưu Thị Phương Loan